Người lang thang trên các nẻo đường văn hoá - Ảnh 1.

Ông bảo, nếu nói theo kiểu dân dã, ông là "người lang thang". Còn nói văn hoa là "kẻ lãng du". Ít ai  như ông, ngày ngày "lang thang" và cả cuộc đời vẫn lang thang, cho dù đã trải cuộc đời một thế kỷ. Cuộc lang thang của ông đem về cả một gia tài văn hoá vô giá cho mình và cho đời. Ông là nhà văn hoá Hữu Ngọc.                             

Suốt đời lang thang - duyên và nghiệp          

Phải hiểu cái sự lang thang của ông theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Hồi ấy, cứ mỗi buổi sớm đường phố Hà Nội tấp nập người đi làm, kẻ đi học. Có một ông già vẫn thủng thẳng đi bộ từ nhà ở phố Vạn Bảo đến phố Trần Hưng Đạo để làm việc. Tôi đã thử dùng đồng hồ xe máy để đo quãng đường này: gần 6 km.          

Nhà báo Hàm Châu, nhà thơ Trần Đăng Khoa đều kể rằng, trong những chuyến đi điền dã, họ chịu vái dài trước sức đi của ông. Tôi chỉ may mắn có một dịp đi du lịch ven sông Hồng cùng với ông, nhân kỷ niệm 10 năm hoạt động Quỹ Văn hoá Đan Mạch - Việt Nam. Trời nắng ong ong, đội chiếc mũ vải "quả dưa" trên đầu, ông vẫn bước thoăn thoắt trên con đê. Đến một ngôi đền, một điểm sinh hoạt dân dã nào đó ông đều dùng chiếc loa pin thuyết minh bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho các du khách trong nước và nước ngoài như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ.          

... Vào những năm đầu thế kỷ XX các văn nhân tài tử Đông- Tây dường như  đều mắc căn bệnh chung "thèm đi". Tiêu biểu nhất trong làng văn Việt Nam là Tản Đà và Nguyễn Tuân. Chàng trai tuổi 20 Hữu Ngọc đang là học trò Trường Bưởi,  được một giáo sư dạy tiếng Anh người Pháp giảng cho nghe bài thơ "Lang thang như đám mây trời". Đó là áng thơ nổi tiếng của tác giả W. Wordsworth, người miền Bắc nước Anh. Ngay lập tức  bài thơ đó đã thấm vào hồn ông cho đến tận bây giờ. Sau này, khi cách mạng thành công, Chính phủ có tổ chức cuộc thi tuyển giảng viên tiếng Anh do ông Phạm Duy Khiêm làm giám khảo, tình cờ trong phần thi vấn đáp Hữu Ngọc lại bắt thăm trúng bài thơ "Lang thang như đám mây trời"! Dường như đó là cơ duyên cho suốt cuộc đời ông.          

Tốt nghiệp tú tài triết học, Hữu Ngọc vào học trường Luật. Ngày ấy người ta học Luật để ra làm quan, chí ít cũng là quan huyện. Nhưng Hữu Ngọc lại "lang thang" sang làm nhà giáo. Khi dạy ngoại ngữ tại các trường tư ở Vinh, Huế, Hữu Ngọc hào hứng tham gia vào những hoạt động hướng đạo do các giáo sư Tạ Quang Bửu, Nguyễn Lân khởi xướng.          

Người lang thang trên các nẻo đường văn hoá - Ảnh 1.

Bước chân "lãng du" của ông đã lặn lội trên các nẻo đường kháng chiến chống Pháp để làm công tác vận động hàng binh, giáo dục tù binh. Khả năng ngoại ngữ phong phú và chuẩn mực đã góp phần "thu phục nhân tâm" đối với lính viễn chinh Âu- Phi. Hữu Ngọc thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, đọc và nói được tiếng Đức và sử dụng được tiếng Hán làm công cụ tra cứu. Đây chính là thứ hành trang duy nhất để ông lên đường "lang thang" trên các nẻo văn hoá thế giới cả trên trang sách và trên những chuyến đi tới khắp các chân trời châu Á châu Âu, châu Mỹ...                 

Mấy chục năm là Tổng biên tập các tạp chí tiếng Anh và tiếng Pháp Le Vietnam en Marche, Etudes Vietnamienes, Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, bước chân của ông không ngừng nghỉ. Ông từng làm Chủ tịch Hội đồng biên tập của Nhà xuất bản Thế giới và các tạp chí ngoại văn, Chủ tịch của hai quỹ văn hoá Thuỵ Điển - Việt Nam và Đan Mạch - Việt Nam. Trên cương vị này hằng năm Hữu Ngọc vẫn chống gậy lên đường tới khắp nẻo đường đất nước, từ vùng núi non Cao Bằng tới vùng sông nước Cửu Long và cao nguyên Tây Nguyên...

Lang thang cả sàng đầy khôn          

Có những kẻ lãng du chỉ để đi cho thoả cái tôi của riêng mình, giải toả nỗi bức bối, ẩn ức cá nhân. Nhưng với Hữu Ngọc, mỗi bước đi là một dịp để học hỏi, để hái nhặt tri thức. Nếu như Anđecxen từng nói, trong những cống rãnh có thể nhặt được những hạt ngọc, thì với Hữu Ngọc, mỗi chuyến đi, mỗi lần tiếp xúc đều đem lại cho ông những phát hiện cho mình và có chuyện để kể cho người. Những điều ông thấy đều phơi bầy ra trước mắt mọi người, nhưng qua đôi mắt uyên bác và cái nhìn nội tâm sâu sắc của ông, sự vật bỗng sáng lên long lanh, kỳ lạ. Chỉ một câu trao đổi với một người Pháp không quen biết trong buổi lễ chiêu đãi của Đại sứ quán Pháp, Hữu Ngọc có thể dễ dàng bàn về chữ Lễ. Từ chuyện đi trong ngõ hẻm ở phố Phukurô Machi ở Nhật, ông dẫn dắt chúng ta đi tới chuyện thiên nhiên và sức mạnh thần bí ở đâu.Trò chuyện với một nhà xã hội học Mỹ về một cuốn sách, ông cho ta hiểu rất nhiều khái niệm mới mẻ về các hiện tượng xã hội và triết học. Nhân đến thăm một ngôi chùa Việt Nam ở Lào, ông bàn về đại thừa và tiểu thừa của Phật giáo...       

Người lang thang trên các nẻo đường văn hoá - Ảnh 2.

Vợ chồng nhà văn hóa Hữu Ngọc

Suốt 5 năm trên tờ Le Courrier Việt Nam (tiếng Pháp) và 12 năm trên tờ Việt Nam News (tiếng Anh), cứ mỗi chủ nhật  bạn đọc nước ngoài lại chờ đón mục Mạn đàm về truyền thống của Hữu Ngọc. Ai từng viết báo mới thấu hiểu  việc giữ một chuyên mục liên tục nhiều năm khó như thế nào. Không chỉ làm sao cho có đủ bài mà nhất là làm sao cho bài viết không trở nên nhàm chán. Nhưng với Hữu Ngọc, các bài viết cứ tự nhiên như suối nguồn tuôn chảy không bao giờ cạn. Bởi vì, ông biết khơi nguồn từ lịch sử truyền thống mấy ngàn năm, gắn vào đó là những huyền thoại, hội hè, làng xã, đình chùa, cỏ cây, ẩm thực, văn hoá, tâm linh... cho đến những vấn đề hội nhập, những thử thách thời đại. Mỗi bài viết như một câu chuyện nhỏ dẫn dắt người đọc đi vào không gian và thời gian một vùng văn hoá càng đi càng thấy nhiều điều kỳ thú. Mỗi bài viết như một viên ngọc nho nhỏ, đến khi xâu lại thì thành một chuỗi ngọc quý vô giá. Chuỗi ngọc đó chính là cuốn Phác thảo chân dung văn hoá Việt Nam bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp. Cuốn sách đã được Chính phủ ta làm món quà quý trao tặng các vị lãnh đạo các quốc gia đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ bảy  tại Hà Nội năm 1997.          

Người lang thang trên các nẻo đường văn hoá - Ảnh 3.

Từ năm 1997, số bài viết cứ tiếp tục tuôn trào dưới ngòi bút của ông (ông vẫn viết bằng bút với nét chữ to và rõ) và sau đó được tập hợp thành bộ sách đồ sộ dày 1200 trang, mang một cái tên mới có tính hình tượng hơn: Lãng du trong văn hoá Việt Nam. Riêng bản tiếng Anh Wandering through Vietnamese Culture năm 2004 đã tái bản đến lần thứ tư. Và cuốn sách nhanh chóng trở thành món quà độc nhất vô nhị cho những ai muốn tặng  bạn bè quốc tế và bà con Việt kiều ở nước ngoài. Như lời của nhà văn Mỹ Lady Borton, người ta luôn đặt cho chị câu hỏi "Tại sao chị lại thấy nước Việt Nam lý thú kỳ lạ đến như vậy?" Câu trả lời của chị cũng thú vị không kém: "Đôi khi là: vì một cuốn sách. Đôi khi: vì một câu chuyện. Đôi khi là: vì một con người đặc biệt. Giờ thì may quá, Nhà xuất bản Thế giới vừa gắn cả ba câu trả lời ấy vào trong một cuốn sách vô song: Cuốn Lãng du trong văn hoá Việt Nam của Hữu Ngọc".          

Cũng cần nói thêm là, ngoài nội dung phong phú, chứa đầy những câu chuyện thú vị nhẹ nhàng, còn phải kể đến cách viết, cách sử dụng ngôn ngữ của Hữu Ngọc đã đạt đến mức nhuần nhuyễn. Chẳng vậy mà  ông đã được chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm (1992) và Lời vàng (2003). Tôi còn được nhà văn Lady Borton  kể cho  nghe một câu chuyện.  Một tờ báo Mỹ đặt bài Hữu Ngọc. Người biên tập đọc bài viết của ông thấy trong đó có dùng một từ lạ, họ ngờ ngợ cho là ông viết sai, định sửa lại. Nhưng khi cẩn thận tra từ điển thì mới biết đó là một từ mới, ông sử dụng rất đúng chỗ. Nhân đó tôi có hỏi ông, bí quyết nào để viết được như vậy, ông bảo: Khi viết ngôn ngữ nào thì cần nghĩ ngay bằng chính cách nghĩ của người bản ngữ, chứ không nên nghĩ bằng tiếng Việt của mình rồi mới diễn dịch ra tiếng người ta. Tôi thầm nghĩ, "chân lý" của ông mới "đơn giản" làm sao, nhưng phải có "công lực thâm hậu" như thế nào thì mới áp dụng được chứ!          

Có lẽ cũng từ sức lan toả của những trang viết, khách phương xa thường tìm đến ông để học hỏi, tìm hiểu. Mấy năm gần đây, hầu như tuần nào ông cũng được mời đi nói chuyện, giảng bài cho khách nước ngoài. Thậm chí, có những vị quốc vương và hoàng hậu trong những ngày ở thăm Việt Nam đã sắp xếp thời gian để đến nghe Hữu Ngọc giới thiệu về văn hoá Việt Nam.

Julien Zenoc- một thành viên của Học viện Thương mại và Phân phối quốc tế Paris được dự một lớp thỉnh giảng của ông đã "ghen tị" phát biểu: " Ông đã giảng cho chúng tôi một cách thú vị và kỳ diệu về nền văn hoá Việt Nam. Chúng tôi thiếu những giảng viên như ông trong các trường học để truyền lại văn hoá của chúng tôi".           

Người lang thang trên các nẻo đường văn hoá - Ảnh 5.

Hữu Ngọc đã có lần mạn đàm với giáo sư xã hội học P. Therborn người Thuỵ Điển. Hai ông rất tâm đắc cho rằng, đề cập đến những vấn đề về tính cách, tâm lý và bản sắc một dân tộc hay vấn đề truyền thống... là vấn đề rất nhạy cảm, cần hết sức thận trọng, tránh khiên cưỡng, áp đặt vì rất dễ sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Quả vậy, nếu như Hữu Ngọc chỉ biết viết về truyền thống Việt Nam, làng quê Việt Nam, chỉ biết mình, không biết người thì những câu chuyện của ông chắc chắn không thể thu hút và thuyết phục được ai. Nhưng Hữu Ngọc còn am hiểu sâu sắc bản sắc các nền văn hoá thế giới. Và ông chính là người dày công giới thiệu với chúng ta về các nền văn hoá đó. Hoa anh đào điện tử: Văn hoá Nhật. Phác thảo chân dung văn hoá Pháp. Thơ Đường 4 ngữ. Mảnh trời Bắc Âu: Văn hoá Thuỵ Điển. Hồ sơ văn hoá Mỹ. Chìa khoá để biết và hiểu Lào... Đó mới chỉ là một số trong nhiều tác phẩm của ông. Đặc biệt, cuốn Hồ sơ văn hoá Mỹ (A File on American Culture) dày 900 trang, được xuất bản vào năm 1995, sau thời kỳ dài quan hệ Việt - Mỹ "đóng băng" vì Mỹ cấm vận với Việt Nam. Tạp chí Cộng sản đánh giá, cuốn sách ra đời thật đúng lúc và trở thành sách bán chạy nhất trong năm. Qua cuốn sách chúng ta được nhìn thấy một nước Mỹ khác, một nền văn hoá không phải của những kẻ chinh phục. Cũng chính vì thế khi sách vừa ra khỏi nhà in, tổ chức Ford Foundation đã đặt mua ngay một loạt để tặng các cán bộ Việt Nam lần đầu tiên sang tham quan, tìm hiểu nước Mỹ.                   

Cứ "lang thang" sống được như ông!          

Sống lâu là mơ ước của tất cả mọi người. Nhưng sống lâu chỉ để kéo dài năm tháng trên đời thì cũng thật vô vị. Sống lâu mà vẫn sống khoẻ và minh mẫn, sống có ích mới thật đáng sống. Nhà thơ Trần Đăng Khoa ví Hữu Ngọc như một cây dó có trầm, càng già trầm càng toả hương thơm. Người ta thường hỏi ông bí quyết làm cách nào để sống lâu. Ông nói đùa, tại vì ông không "làm quan", tại vì ông thích "lang thang như áng mây trời".

Người lang thang trên các nẻo đường văn hoá - Ảnh 6.

Có lần, tôi có đặt ông viết một bài cho số Tết của báo Khoa học và Đời sống. Ông đưa tôi bài viết Nụ cười cho người sống lâu. Tôi nì nèo muốn ông viết cho một bài "tầm cỡ" hơn, nhưng ông bảo: Biết cách sống vui, sống khoẻ là chuyện đáng kể đấy chứ, sao lại xem nhẹ nó. Bây giờ tôi biết là ông nói đúng. Nhất là khi đọc nhiều bài viết của ông và được nhiều dịp tiếp xúc với ông hơn.          

Đúng vậy, những bài viết của ông thông thênh, nhẹ nhàng, chẳng bao giờ muốn làm to chuyện cả, nhưng ẩn chứa trong đó biết bao trải nghiệm về cuộc sống. Và chính ông cũng sống nhẹ nhàng, thênh thênh giữa cuộc đời, không màng chút danh lợi. Cuộc sống thanh bạch làm nên uy tín của ông. Ông được tín nhiệm giữ hai chức chủ tịch Quỹ Văn hoá Thuỵ Điển- Việt Nam và Đan Mạch- Việt Nam tất nhiên vì cái tầm của ông, bên cạnh đó, có lẽ còn quan trọng hơn, còn vì cái tâm của ông. Ông bảo, Quỹ của ông không để sơ sẩy một xu nào khi đến tay người dân được thụ hưởng nó. Có lần ông đề nghị tôi chắp nối thành lập Câu lạc bộ Anđecxen ở một vài trường tiểu học, qua công việc tôi càng hiểu lời nói của ông luôn đi đôi với việc làm.           

Hữu tâm, hữu ngọc tất hữu danh. Không vì danh, nhưng ông là kẻ sĩ có danh, danh lớn lắm và đó là danh thơm vậy!

Nguyễn Như Mai