Hôm 2/5 tại Hà Nội, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 107, để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng văn hóa Việt Nam.
Ông quê gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh, sinh ngày 22/12/1918 tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Lễ viếng sẽ diễn ra vào lúc 13h ngày 5/5 tại Nhà tang lễ bệnh viện 198 (Cầu Giấy, Hà Nội), an táng tại Nghĩa trang Đồng Gốc (Long Biên, Hà Nội).
Một tâm hồn luôn hướng về cội nguồn
Năm 2017, khi giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 10 của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) khởi động, tôi xin gặp nhà văn hóa Hữu Ngọc để hoàn thiện "hồ sơ đề cử" ông cho hạng mục Giải thưởng Lớn.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc (bên trái) nhận Giải thưởng Lớn "Vì tình yêu Hà Nội" - Giải thưởng Bùi Xuân Phái lần 10 năm 2017 của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN). Ảnh tư liệu -TTXVN
Sau khi được vinh danh, mỗi khi ông ra mắt tác phẩm mới hoặc chuẩn bị bài vở nhân sự kiện văn hóa quan trọng của Hà Nội hoặc cả nước, tôi lại tìm đến ông xin ý kiến. Qua những cuộc trò chuyện thân tình, ông đã kể cho tôi nghe về cuộc đời, những trải nghiệm và chặng đường dài đồng hành cùng sự phát triển của văn hóa - lịch sử Việt Nam trong suốt thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Mỗi câu chuyện của ông, tôi cảm nhận vừa là những hồi ức cá nhân, vừa là những lát cắt sống động về một thời kỳ đầy biến động, thách thức và cũng tràn đầy khát vọng đổi mới, hội nhập của đất nước.
Với tôi, bác Hữu Ngọc (tôi vẫn hay gọi bác như thế) là một trí thức uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa sâu sắc và là một tâm hồn luôn hướng về cội nguồn - đã dành trọn cuộc đời mình để làm cầu nối giữa văn hóa Việt Nam và thế giới. Ông không chỉ là nhà nghiên cứu, nhà văn, dịch giả, mà còn là một chứng nhân lịch sử, một người kể chuyện văn hóa bằng chính trải nghiệm và sự tận tụy của mình.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Tôi vẫn nhớ những lần bước vào căn phòng nhỏ nơi ông tiếp khách, bức tường phủ đầy sách và tài liệu, ánh mắt ông sáng lên khi nhắc về những tác phẩm đã viết, những cuốn sách đã dịch, và những tờ báo ông từng làm. Ông say sưa kể về tuổi trẻ, khi ông còn là một thầy giáo dạy tiếng Anh, rồi tham gia cách mạng, làm báo, làm xuất bản, và cả những năm tháng gian khó trong chiến tranh nhưng vẫn không ngừng học hỏi, nghiên cứu văn hóa.
Đặc biệt, ông "nói không biết chán" về niềm đam mê với ngôn ngữ, với văn hóa các dân tộc, và đặc biệt là tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa Việt Nam. Có một câu ông thường nhắc đi nhắc lại mà tôi nhớ mãi và nhiều báo cũng đã trích dẫn, đấy là: "Văn hóa là linh hồn của dân tộc, là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Giữ gìn và phát huy văn hóa là trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là những người làm công tác nghiên cứu và truyền bá".

Bản tiếng Pháp của cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội”
Một trong những đóng góp nổi bật của nhà văn hóa Hữu Ngọc là công trình nghiên cứu sâu sắc về văn hóa Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam. Ông đã dành nhiều năm tâm huyết để khảo cứu, ghi chép và giới thiệu những nét đặc trưng, giá trị truyền thống cũng như sự biến đổi của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Tác phẩm Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội của ông không chỉ là một công trình nghiên cứu khoa học, mà còn là một bức tranh sinh động, giàu cảm xúc về cuộc sống, con người và văn hóa Thủ đô.
Chính nhờ những đóng góp xuất sắc này, năm 2017, ông được trao Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, giải thưởng danh giá dành cho "người có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình". Giải thưởng này không chỉ ghi nhận công lao của ông trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa mà còn tôn vinh tình yêu sâu sắc và sự gắn bó bền chặt của ông với mảnh đất và con người Hà Nội.

Bản tiếng Pháp cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam”
"Văn hóa là linh hồn của dân tộc, là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Giữ gìn và phát huy văn hóa là trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là những người làm công tác nghiên cứu và truyền bá" - Hữu Ngọc.
Giản dị và đầy nhiệt huyết
Tôi còn nhớ hôm nhận giải, ông đã chia sẻ những cuốn sách về Hà Nội bằng nhiều thứ tiếng của mình, đồng thời xúc động bởi được nhận một giải thưởng mang tinh thần cao quý và nhiều giá trị văn hóa. "Tôi năm nay tròn 99 tuổi nhưng có hơn 70 năm làm nghề "xuất khẩu" văn hóa ra thế giới, tôi đã cho ra đời 34 cuốn sách, trong đó có cuốn Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội năm 1997 bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, làm quà tặng các vị lãnh đạo các quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội. Đây là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Hà Nội cho người nước ngoài đến thời điểm năm 1997".

Bản tiếng Anh cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam”
Một năm sau (2018), ông được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú - một danh hiệu cao quý do thành phố Hà Nội trao tặng, nhằm ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông cho sự phát triển văn hóa, xã hội của Thủ đô. Danh hiệu này là minh chứng cho sự trân trọng và biết ơn của cộng đồng đối với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Hà Nội.
Qua những câu chuyện của ông, tôi cảm nhận được một con người giản dị nhưng đầy nhiệt huyết, một trí thức không chỉ giỏi về học thuật mà còn rất gần gũi, chân thành và khiêm tốn. Ông chưa bao giờ tự hào về thành tựu cá nhân, mà luôn nhấn mạnh rằng đó là kết quả của sự cộng hưởng giữa nhiều thế hệ, nhiều người đồng hành trong sự nghiệp văn hóa.

Ông cũng không ngại nói về những thử thách trong quá trình làm việc, nhất là trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Nhưng chính những thử thách đó đã rèn giũa ông trở thành một nhà nghiên cứu kiên định, một người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học giả trẻ.
Tôi đặc biệt ấn tượng với cách ông nhìn nhận về văn hóa như một dòng chảy liên tục, không ngừng biến đổi, nhưng vẫn giữ được cốt lõi truyền thống. Ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng giao lưu văn hóa, học hỏi từ thế giới, nhưng không đánh mất bản sắc dân tộc. Đây cũng chính là thông điệp xuyên suốt trong các tác phẩm và hoạt động văn hóa của ông.

Có thể nói, nhà văn hóa Hữu Ngọc là hình mẫu của sự bền bỉ, miệt mài trong lao động chữ nghĩa. Ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, viết lách, dịch thuật và truyền bá văn hóa với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Ở tuổi ngoài 100, ông vẫn cho ra mắt những tác phẩm đồ sộ, thể hiện sự sáng tạo không ngừng nghỉ.
Ông không chỉ để lại một kho tàng tri thức đồ sộ, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu và những người yêu văn hóa Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy sự giao lưu văn hóa quốc tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Một số công trình và giải thưởng
Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và tác phẩm văn hóa có giá trị sâu sắc, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Hà Nội.
Một trong những công trình tiêu biểu của ông là cuốn Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội, được đánh giá là một bức tranh sinh động và giàu cảm xúc về con người, lịch sử và văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Bên cạnh đó, ông còn có các tác phẩm nổi bật khác như Lãng du trong văn hóa Việt Nam, giới thiệu những giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc; Vietnam: Tradition and Change, phản ánh sự biến đổi và phát triển của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện đại hóa; bộ sách đồ sộ Cảo thơm lần giở, giới thiệu sự nghiệp và tư duy của hơn 180 danh nhân thế giới, ra mắt khi ông đã ngoài 100 tuổi…
Về giải thưởng, ngoài Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2017; được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018; ông còn nhận được nhiều huân chương của Nhà nước Việt Nam như Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, cùng các huân chương quốc tế như Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp và Huân chương Ngôi sao phương Bắc của Thụy Điển…
Các giải thưởng về sách như Giải Vàng và Giải Đồng Sách Việt Nam, Giải thưởng Quốc gia Sách Việt Nam cũng ghi nhận chất lượng và giá trị của các tác phẩm văn hóa do ông biên soạn và xuất bản.
Tags