17/04/2025 05:57 GMT+7 | Thể thao
Sau khi giải điền kinh quốc tế TP.HCM vốn có từ năm 1993 chuyển đổi thành giải TP.HCM mở rộng do không còn yếu tố "quốc tế" thì những người làm thể thao TP.HCM vẫn nỗ lực duy trì thêm "Cúp tốc độ" chuyên dành cho các nội dung chạy ngắn và trung bình. Tuy vậy, giữa mong muốn và hiện thực vẫn còn khoảng cách xa.
Hồi còn giải điền kinh quốc tế, một lãnh đạo của sân Thống Nhất, nơi đăng cai tổ chức sự kiện này đã từng vẽ ra ý tưởng về một giải đấu theo kiểu "Tour" như Grand Prix của điền kinh thế giới. Mỗi năm khoảng 3-4 vòng đấu với tiền thưởng cao, có thêm yếu tố quốc tế để tăng tính hấp dẫn.
Nhưng như đã nói, dù ý tưởng Cúp tốc độ cũng đã ra đời nhưng bản thân nó cũng như giải điền kinh quốc tế đều đã sụt giảm về chất lượng, chủ yếu là đợt tranh tài của các VĐV trong nước. Cho đến nay, các sự kiện này cũng như giải vô địch quốc gia là những gì mà điền kinh Việt Nam đang có để tìm kiếm tài năng cho môn mình.
Sau hội thảo được tổ chức hồi cuối tháng 3 nhằm góp ý xây dựng các môn trọng điểm để đưa vào chương trình phát triển hướng đến mục tiêu huy chương Olympic, ASIAD thì dự kiến, từ con số 17 môn rất tham vọng ban đầu sẽ rút gọn còn 8 môn. Đây là con số mang tính thực tế, thể hiện đúng tính chất của 2 từ "trọng điểm".
Vì việc chọn lựa môn trọng điểm là để hướng đến mục tiêu tăng số lượng HCV tại ASIAD cũng như thường xuyên có huy chương tại Olympic. Đành rằng các môn thuộc Olympic đều quan trọng, thậm chí danh giá nhưng phân nửa số môn Olympic hiện nay chưa hề có phong trào ở Việt Nam.
Trong phân nửa số môn còn lại, thì dù có phổ biến thì do các yếu tố bất lợi về thể hình, các VĐV Việt Nam không đủ khả năng để tranh đoạt huy chương hay thậm chí là suất tham dự tại Thế vận hội.
Trình độ của điền kinh Việt Nam vẫn còn cách đẳng cấp Olympic một khoảng rất xa. Ảnh: Hoàng Linh
Câu chuyện của điền kinh phản ảnh đầy đủ vấn đề này. Trong mấy chục nội dung thi đấu của điền kinh, chúng ta chỉ có thể tiếp cận được trình độ châu Á ở các cự ly chạy, nhất là chạy trung bình. Quá trình vươn lên đứng đầu SEA Games trong 10 năm trở lại đây, hoặc chiến thắng ở giải vô địch châu Á, cũng đến từ các nội dung chạy là chủ yếu. Tuy nhiên, đó là giai đoạn mà chúng ta có một "thế hệ vàng" trên đường chạy. Nói cách khác, ngay thế mạnh trong nội bộ môn điền kinh, cũng đã đạt đến giới hạn về yếu tố con người.
Đã vậy, ngay đường chạy điền kinh, hiện tại Việt Nam còn chưa có đường chạy 12 làn. Số lượng giải chạy tốc độ, như đã biết, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ý tưởng Cúp tốc độ của TP.HCM khá hay, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể tạo ra được 3-4 tour thi đấu trong năm để các chân chạy của Việt Nam được thi thố, rồi từ từ nâng cấp thành giải quốc tế. Không ai đặt vấn đề "Tại sao?" cả …
Nói như vậy để thấy chọn lựa môn trọng điểm nào, số lượng ra sao, nội dung chủ lực là gì, không phải là chuyện "cảm tính" mà cần phải dựa trên khả năng phát triển, đầu tư cũng như "chăm lo" cho nó. Thể thao đỉnh cao không thể tách rời hoạt động thi đấu. Có là thế mạnh, hoặc sở hữu lực lượng VĐV dồi dào, thì cũng phải tăng mật độ cọ xát thi đấu với tính cạnh tranh quốc tế. Điều đó đòi hỏi rất nhiều vào sự năng động của các nhà quản lý.
Trong Chiến lược phát triển TDTT 2030-2045, cũng không đặt ra các con số cụ thể về các môn thể thao, nghĩa là tập trung cho ít môn nhưng quan trọng là khả năng đoạt huy chương phải sát thực tế. Tại Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh có đến 2 huy chương (1 vàng, 1 bạc) chỉ với nội dung sở trường của mình, là ví dụ. Vì thế, chọn ít môn nhưng bảo đảm được không gian thi đấu liên tục thì tự nhiên sẽ đạt được ý nghĩa của 2 từ "trọng điểm".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất