20/04/2025 17:07 GMT+7 | Văn hoá
Ngày 20/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc”.
Đây là sự kiện trong khuôn khổ chuỗi hoạt động tuyên truyền Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2025.
Tại chương trình, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng nhận định, trong thời gian qua, các chương trình, hoạt động âm nhạc phát triển mạnh mẽ với nhiều thương hiệu sản xuất. Tuy nhiên, lĩnh vực âm nhạc phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng từ giới trẻ, cần cởi mở chia sẻ những vướng mắc, tồn tại, chia sẻ mô hình hoạt động hiệu quả.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại chương trình đối thoại. Ảnh: TTXVN
Ông Trần Hoàng chỉ ra, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có các concert nội địa như “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” với tổng số vé bán ra được công bố là hàng chục ngàn, thậm chí trên 100.000 vé. Bên cạnh một số show có số lượng vé bán ra vượt trội, trên thực tế, vẫn còn các show khác chỉ dừng ở mục tiêu 1.000 vé nhưng lượng bán rất “chật vật”.
Vừa qua, một số chương trình ca nhạc như show diễn Sài Gòn Simple Love tháng 2/2025, Đại nhạc hội Huế - Mega Booming năm 2025 đều bị hủy bỏ bởi số lượng vé bán ra không đáp ứng dù có các nghệ sỹ nổi tiếng Hàn Quốc hay dàn các nghệ sỹ trong chương trình “Anh trai say hi” tham dự.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Xuân Bắc cho rằng, một sự kiện đông người tham dự càng chứng tỏ đẳng cấp của nghệ sỹ, nhưng không phải show nào cũng có thể bán được hết vé. Nghệ sỹ Xuân Bắc lấy ví dụ, muốn một chương trình biểu diễn có Xuân Bắc với số lượng 10.000 vé nhưng bán mãi mới được 1.000 vé. Mong muốn của đơn vị tổ chức show cũng như nghệ sỹ là phải đông, nên Ban tổ chức sẽ tung ra các chương trình kích cầu khán giả như hạ giá hoặc tặng. Có những khi, giá vé 2 triệu nhưng lại bán combo mua 4 tặng 3 để đảm bảo uy tín.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn phát biểu tại chương trình đối thoại. Ảnh: TTXVN
Tại buổi đối thoại, nhiều đại biểu là các văn, nghệ sỹ, các nhà sản xuất, truyền thông đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho các hoạt động biểu diễn âm nhạc quy mô lớn; các vấn đề liên quan tài chính, mức thuế, phí cũng như những bất cập về cơ sở hạ tầng, nhu cầu về nguồn nhân lực để thúc đẩy phát triển nền âm nhạc Việt Nam, bảo hộ bản quyền tác phẩm âm nhạc để phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo ông Phạm Minh Toàn, Đại diện Vietfest, hiện các sự kiện âm nhạc tại Việt Nam tổ chức cho khán giả xem miễn phí rất nhiều. Do tâm lý khán giả trong nước chưa có thói quen mua vé trong khi nhiều sự kiện, lễ hội âm nhạc quốc tế mời được nhiều nghệ sỹ các nước về thì họ đều hỏi đến chính sách bán vé. Văn hóa trả tiền thụ hưởng âm nhạc là điều cần phải chú trọng trong thời gian này và sắp tới. Các sự kiện không thể trông chờ mãi vào nhà tài trợ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách TikTok Việt Nam cho rằng, sáng tác, hạ tầng biểu diễn, khán giả và khách hàng doanh nghiệp là 4 trụ cột của ngành âm nhạc trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, về khán giả, cần định hướng về cách khán giả tiếp thu âm nhạc và quản lý hoạt động của các fanclub. Việc đào tạo các thành viên trong fanclub cũng cần được bài bản, để hoạt động của họ mang lại lợi ích cho đất nước.
Trong 1-2 năm tới, ngành âm nhạc sẽ có một đối tượng khách hàng rất lớn là các doanh nghiệp địa phương nơi muốn thu hút các sự kiện âm nhạc. Các sự kiện muốn tổ chức ở địa phương nào cần tôn trọng bản sắc văn hóa ở đó, đồng thời chính quyền địa phương phải có định hướng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất