Thể thao TPHCM: Khi dự án Rạch Chiếc… 'nhúc nhích'

07/07/2025 05:45 GMT+7 | Thể thao

Mới đây, tập đoàn Sun Group có văn bản đề xuất được nghiên cứu đầu tư vào 3 dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM, trong đó có khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi có doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia xây dựng công trình thể thao tầm cỡ. Thế nhưng…

Phó Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Minh, vừa có chuyến công tác ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (bao gồm TP.HCM và các cơ sở ở Cần Thơ, Đà Lạt, Mũi Né). Theo đánh giá của lãnh đạo ngành thể thao thì công tác huấn luyện, chăm sóc VĐV được Trung tâm thực hiện tốt, nhưng khó khăn thì còn nhiều mà chủ yếu vẫn là… cơ sở vật chất. Trung tâm chính ở TP.HCM thì hiện dùng chung cơ sở tập luyện với trường Đại học TDTT TP.HCM. Tại Đà Lạt, chỉ có một nhà thi đấu để tập luyện…

Đây là vấn đề không mới và cũng chưa có hướng giải quyết. Vì thực tế, ngay VĐV của TP.HCM hiện còn không có trung tâm huấn luyện cao cấp theo mô hình tập trung nào cả. Sau khi khu vực trường đua Phú Thọ chuyển dần quỹ đất sang phục vụ dân sinh, thì "ước mơ" có trung tâm huấn luyện cho thể thao thành phố cũng dần tan biến.

Đó là lý do mà khi dự án Rạch Chiếc… nhúc nhích lại là tin mừng dù đây cũng chỉ mới là đề xuất từ phía doanh nghiệp. Có một khu liên hợp như vậy, rất nhiều vấn đề về cơ sở vật chất huấn luyện đỉnh cao không chỉ của TP.HCM mà cả thể thao phía Nam sẽ được giải quyết.

Hơn nữa, sau sáp nhập, quy mô và vai trò của thể thao TP.HCM đã thay đổi gần như toàn diện. Không chỉ đóng góp nhân lực cho những đội tuyển quốc gia, mà TP.HCM còn phải là điểm đến của những sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới, chưa kể phải "gánh vác" phần lớn cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện cho các đội tuyển.

Khi dự án Rạch Chiếc… nhúc nhích  - Ảnh 1.

Chỉ sân Thống Nhất là không đủ cho thể thao đỉnh cao TP.HCM sau khi tiến hành sáp nhập. Ảnh: Minh Hoàng

Nhưng từ đề xuất của doanh nghiệp đến khi hình thành khu Rạch Chiếc là quãng đường không tính được điểm đến. Đề xuất đối với Rạch Chiếc cũng tương tự với dự án của nhà thi đấu Phan Đình Phùng, nôm na là thành phố phải "đối ứng" bằng đất và quyền khai thác kinh doanh ở một nơi khác. Nếu phần "đối ứng" đó không có, thì…cũng như không. Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng "ngủ đông" suốt hơn 10 năm qua, là ví dụ cho thấy triển vọng không đơn giản.

Hiểu một cách đơn giản, việc đầu tư vào những cơ sở thể thao vẫn không có hướng ra cho doanh nghiệp. Họ vẫn phải lấy tiền từ chỗ khác để làm vốn xây dựng thay vì tìm cách khai thác kinh doanh từ dự án đầu tư. Điểm nghẽn lớn nhất vẫn là do cái gọi là "kinh tế thể thao" ở Việt Nam chưa hình thành, chưa tạo ra được dòng tiền, chưa có bất kỳ tính khả thi nào để doanh nghiệp căn cứ vào đó mà tham gia. Thậm chí, cạnh dự án Rạch Chiếc có một khu đất sạch của một dự án kinh doanh, trong đó có 20ha dành cho thể thao, nhưng từ năm 2019 đến nay vẫn chưa thể triển khai, đủ để thấy việc khai thác doanh thu từ những gì liên quan đến thể thao còn quá khó khăn.

Đã đến lúc ngành thể thao cần "xới" lại vấn đề kinh tế thể thao. Từ Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đến sự hội tụ nguồn lực sau khi sáp nhập địa phương, đã tạo cơ hội để thể thao Việt Nam có được những hướng ra trong hoạt động đầu tư cơ sở vật chất thông qua sự tham gia của các doanh nghiệp địa phương.

Đơn cử như TP.HCM sau sáp nhập rất cần có công trình thể thao đẳng cấp, điều mà thành phố trước đây vẫn không thể "giải" được bài toán về ngân sách lẫn quỹ đất. Nếu kinh tế thể thao được thúc đẩy, có thể nhiều doanh nghiệp lớn sẽ muốn tham gia như trường hợp của Sun Group, đơn vị chưa từng có một dự án đầu tư nào ở TP.HCM.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm