Tạm gác màu áo đội tuyển, VĐV bóng chuyền đi… đánh giải hội làng

05/05/2025 05:57 GMT+7 | Thể thao

Trong một thời điểm đáng lẽ phải là cao trào của sự tập trung, rèn luyện để khoác lên mình màu áo quốc gia, không ít VĐV bóng chuyền nam, những cái tên vừa được xướng lên trong danh sách đội tuyển Việt Nam, lại bất ngờ xuất hiện trên sân của những giải đấu hội làng. Không phải trong vai trò khách mời, càng không phải để cổ vũ, mà là thi đấu thực sự. Với phong độ cao, đôi lúc là chủ lực, những người đang mang danh tuyển thủ vẫn tung mình đập bóng trong tiếng cổ vũ ở một sân nhà văn hóa xã hay hội chợ quê.

Một sự kiện gây chú ý đã diễn ra ngay cuối tháng 4 vừa qua. Cụ thể, vào ngày 26/4, 3 thành viên của đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam gồm Ngọc Thuân, Quốc Duy và Văn Duy đã cùng nhau góp mặt thi đấu tại giải bóng chuyền khai trương Nhà thi đấu xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trong khi đó, đội tuyển vừa chuyển địa điểm tập huấn từ Đà Nẵng ra Hà Nội chỉ một ngày trước đó, vào ngày 25/4, để tiếp tục tập luyện tại Trung tâm TDTT Quân đội.

Không khó để hiểu vì sao hội làng lại có sức hút như thế. Dù tên gọi dân dã, nhưng các giải đấu phong trào hiện nay ở miền Bắc hay miền Trung đều có sự đầu tư không nhỏ từ những đơn vị tổ chức. Thù lao cho một VĐV ngôi sao có thể lên đến vài chục triệu đồng chỉ sau một, hai ngày thi đấu. Với nhiều người, số tiền ấy gần bằng hoặc hơn hẳn mức hỗ trợ khi tập trung đội tuyển một tháng.

Đằng sau mỗi cú nhảy, mỗi pha tấn công trên sân, là những bữa cơm gia đình, những khoản chi tiêu không tên, những lo toan đời thường mà người hâm mộ đôi khi chẳng bao giờ thấy. Với một VĐV đang ở giai đoạn đỉnh cao, sự nghiệp thường chỉ kéo dài 5–10 năm ngắn ngủi. Không phải ai cũng có hợp đồng bạc tỷ hay cơ hội ra nước ngoài thi đấu. Một số thậm chí còn chưa chắc có việc làm ổn định sau khi giải nghệ. Vậy nên, tận dụng sức trẻ, tận dụng phong độ để kiếm thêm thu nhập, việc làm trong khuôn khổ luật pháp là điều dễ hiểu.

Tạm gác màu áo đội tuyển, VĐV đi… đánh hội làng - Ảnh 1.

Các VĐV tham dự giải bóng chuyền khai trương Nhà thi đấu xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng những trận đấu kiểu "đánh nhanh, thắng nhanh" ở hội làng luôn tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho thể lực và sức khỏe VĐV. Thi đấu với mật độ dày, điều kiện mặt sân không đồng đều, hệ thống y tế không đảm bảo,… tất cả đều dễ dẫn đến quá tải, chấn thương hoặc tích lũy mỏi cơ kéo dài. Chỉ một va chạm nhẹ không được xử lý kịp thời cũng có thể khiến một tuyển thủ phải nghỉ thi đấu hàng tháng. Và khi mang chấn thương trở lại đội tuyển, không chỉ VĐV đó bị ảnh hưởng, mà cả tiến trình chuẩn bị chung của tập thể cũng phải điều chỉnh theo.

Việc một số VĐV vừa trở về từ một hành trình di chuyển dài, chưa kịp thích nghi với giáo án mới, lại lập tức lao vào thi đấu ở một môi trường thiếu kiểm soát là điều khiến giới chuyên môn lo ngại. Thể lực không phải là thứ có thể "vắt" liên tục trong thời gian ngắn mà không trả giá. Và cái giá đó đôi khi không thể đong đếm bằng tiền.

Không thể phủ nhận rằng, phần đông các VĐV đều không thiếu khát khao cống hiến. Họ tập luyện nghiêm túc, thi đấu máu lửa mỗi khi ra sân. Nhưng cũng không thể phủ nhận một điều khác: niềm tự hào không phải lúc nào cũng đủ mạnh để lấn át áp lực mưu sinh. Nếu điều kiện sống, chế độ đãi ngộ, và cơ hội nghề nghiệp vẫn còn là ẩn số sau vài năm đỉnh cao, thì hành động "đánh hội làng" cũng chỉ là một cách lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh, dù là lựa chọn đáng tiếc.

Không ai mong những người khoác áo đội tuyển lại phải đứng trước những sự lựa chọn như vậy. Nhưng thực tế là họ vẫn phải chọn. Và khi lựa chọn ấy lặp lại đủ nhiều, nó trở thành một điều bình thường.

Câu chuyện VĐV đội tuyển đi đánh hội làng không phải để kết luận ai đúng, ai sai. Nó là một lát cắt của đời sống thể thao, nơi mà lòng tự hào, giấc mơ và gánh nặng cơm áo cùng tồn tại. Có lẽ, thay vì chỉ trích, cũng cần một sự cảm thông và xa hơn, là suy nghĩ cách thức giải quyết để câu chuyện này chỉ là hiện tượng nhất thời chứ không phải trở thành một trào lưu.

Hải Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm