Phong trào võ thuật thành phố Hồ Chí Minh: Từ truyền thống đến hiện đại - ngôi nhà chung của võ thuật Việt Nam

01/05/2025 19:32 GMT+7 | Thể thao

Là đầu tàu kinh tế và văn hóa của cả nước, Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh còn được biết đến như một vùng đất có truyền thống võ thuật từ lâu đời. Dưới đây là bài viết tình cảm, mang đậm dấu ấn cá nhân, dưới góc nhìn của một người con trưởng thành từ làng võ TP.HCM - Tiến sĩ, nhà báo Võ Danh Hải, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới, nguyên thành viên sáng lập và là Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Thế giới nhiệm kỳ I (2008-2016).

Tình đất – tình người trong võ đạo Sài Gòn xưa và TP.HCM hôm nay

Là một người trưởng thành từ phong trào võ thuật TP.HCM - tôi luôn cảm thấy một niềm tự hào sâu sắc khi nhắc đến làng võ nơi đây - không chỉ là vùng đất hào sảng, rộng mở, mà còn là nơi đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ võ sư, HLV và VĐV mang trong mình tinh thần thượng võ.

Dẫu không phải là vùng đất sản sinh ra một môn võ riêng biệt nào, nhưng TP.HCM - với cốt cách phóng khoáng, nghĩa hiệp - từ rất sớm đã trở thành vùng đất hội tụ, nuôi dưỡng và phát triển phong trào võ thuật cả truyền thống lẫn hiện đại. Nơi đây chính là "ngôi nhà chung" của võ thuật Việt Nam - nơi kết nối những giá trị tinh thần cổ truyền với khát vọng vươn tầm quốc tế.

Phong trào võ thuật tại thành phố bắt đầu từ thời khai phá miền Nam, khi những lưu dân mang theo tinh thần kiên cường và các môn võ cổ truyền của quê hương. Võ cổ truyền, Vovinam - Việt Võ Đạo dần bén rễ trong cộng đồng người dân Sài Gòn. Đến sự du nhập của các môn võ quốc tế như quyền Anh, Judo, Taekwondo, Karatedo, Aikido… càng làm giàu thêm đời sống võ thuật nơi đây.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, TP.HCM nhanh chóng trở thành trung tâm võ thuật của cả nước. Không chỉ tiếp nhận và lan tỏa các môn võ dân tộc, thành phố còn sớm đón nhận các môn võ hiện đại như Taekwondo, Karatedo, Muay Thái, MMA, BJJ… Tinh thần học hỏi, sáng tạo và cởi mở đã giúp phong trào võ thuật ở đây phát triển đồng đều, vững mạnh từ nội thành đến ngoại thành.

Phong trào võ thuật thành phố Hồ Chí Minh: Từ truyền thống đến hiện đại - ngôi nhà chung của võ thuật Việt Nam - Ảnh 1.

Cố võ sư Lê Sáng và các cao đồ môn phái Vovinam - Việt Võ đạo tại Tổ đường Vovinam tại TP.HCM. Môn võ thuật xuất phát từ Hà Nội nhưng được nuôi dưỡng và phát triển rộng khắp từ vùng đất Sài Gòn - TP.HCM này đã vươn xa ra tầm quốc tế

Tổ chức chuyên nghiệp – Mảnh đất "ươm mầm" tài năng võ thuật

TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hệ thống liên đoàn võ thuật một cách bài bản và khoa học. Trong thời điểm mà các liên đoàn quốc gia còn chưa hình thành, Liên đoàn Võ thuật TP.HCM đã ra đời và trở thành hình mẫu tổ chức, dẫn đầu trong việc điều phối phong trào, mở rộng ảnh hưởng và nâng cao chất lượng đào tạo.

Các nhà thi đấu như Phan Đình Phùng, Hồ Xuân Hương, Tinh Võ, Phú Thọ, Nguyễn Du, Lãnh Binh Thăng… đã trở thành nơi tôi luyện biết bao thế hệ võ sĩ. Các võ đường, câu lạc bộ từ quận trung tâm đến vùng ven đã lan tỏa phong trào đến mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. TP.HCM không chỉ phát triển phong trào, mà còn chuyên nghiệp hóa đào tạo, huấn luyện, tổ chức giải đấu và đưa võ thuật Việt Nam vươn ra thế giới.

Không chỉ giữ vai trò đầu tàu trong phát triển phong trào trong nước, TP.HCM còn là địa phương tiên phong tổ chức những giải đấu võ thuật quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Từ Judo, Taekwondo, Quyền Anh đến Vovinam và Võ cổ truyền, các giải đấu quốc tế đầu tiên của những bộ môn này đều được đăng cai tại thành phố - đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ từ phong trào võ địa phương sang quá trình hội nhập với bạn bè quốc tế.

Những sự kiện này không chỉ tạo cơ hội cọ xát cho VĐV trong nước, mà còn giúp võ thuật Việt Nam giới thiệu bản sắc, tinh thần thượng võ và khả năng tổ chức chuyên nghiệp đến bạn bè khu vực và thế giới. TP.HCM vì thế không chỉ là cái nôi phong trào, mà còn là cánh cửa mở ra thế giới - đưa võ Việt từ tâm thế học hỏi đến vị thế đối thoại và hợp tác bình đẳng trên đấu trường quốc tế.

Phong trào võ thuật thành phố Hồ Chí Minh: Từ truyền thống đến hiện đại - ngôi nhà chung của võ thuật Việt Nam - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thuý tiếp đoàn Lãnh đạo Hiệp hội Võ thuật Thế giới (WoMAU) bàn việc việc hợp tác quảng bá võ thuật Việt Nam và Hàn Quốc thông qua Liên hoan Võ thuật Quốc tế TPHCM hàng năm...

Những người thầy và những ngôi sao võ thuật xuất sắc

Tôi luôn nhớ về những người đi trước - những người thầy, người anh lớn của làng võ thành phố: Võ sư Nguyễn Văn Chiếu, Nguyễn Chánh Tứ… những người truyền ngọn lửa Vovinam đến khắp mọi miền tổ quốc và thế giới; võ sư Trương Ngọc Để, Khúc Văn Bón, Nguyễn Quốc Tâm - những người đặt nền móng cho Taekwondo Việt Nam; võ sư Lê Kim Hòa - bậc thầy Võ cổ truyền luôn giữ trọn tâm huyết với lớp trẻ; các thế hệ Judo như Nguyễn Long Vân, Nguyễn Hữu Huy, Lý Thành Tâm, Hoàng Việt Hùng, cùng các gia đình võ sư nhiều đời gắn bó với phong trào; võ sư Nguyễn Văn Ái - người thầy của nhiều thế hệ HLV Karate Thành phố…

Những con người ấy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn mang trong mình khí chất cao quý của người truyền đạo - sống và dạy võ bằng cả cái tâm.

Chính từ môi trường cởi mở, đào tạo chuyên nghiệp và tinh thần không ngừng vươn lên, TP.HCM đã sản sinh và nuôi dưỡng, đào tạo ra nhiều vận động viên đỉnh cao, làm rạng danh thể thao nước nhà:

- Trần Hiếu Ngân - HCB Taekwondo Olympic Sydney 2000.

- Trần Quang Hạ - HCV Asiad 1994.

- Nguyễn Đăng Khánh, Hồ Nhất Thống, Cao Ngọc Phương Trinh - những cái tên tiêu biểu cho võ thuật Việt.

- Nguyễn Trần Duy Nhất - ngôi sao làng Muay thế giới.

Không ít VĐV từ các địa phương khác cũng đã chọn TP.HCM làm nơi học tập và phát triển sự nghiệp, chứng minh sức hút của mảnh đất này như một vùng đất lành của làng võ thuật Việt Nam.

Phong trào võ thuật thành phố Hồ Chí Minh: Từ truyền thống đến hiện đại - ngôi nhà chung của võ thuật Việt Nam - Ảnh 3.

Đoàn Thể thao Việt Nam và các võ sư Vovinam (Vs Nguyễn Văn Chiếu, Vs Võ Danh Hải) tại buổi họp giới thiệu và thuyết phục với Hội đồng Thể thao Đông Nam Á đưa Vovinam vào các kỳ tranh tài SEA Games (Pattaya, Thái Lan năm 2006)

Những gia đình võ thuật – Truyền thống và bản sắc sống động

Một nét đặc biệt tạo nên chiều sâu của phong trào võ thuật TP.HCM chính là sự hiện diện của những gia đình võ sư truyền thống nhiều đời, nơi võ thuật không chỉ là một môn học hay nghề nghiệp, mà là đạo sống được truyền thụ bằng tình yêu, niềm tin và tinh thần phục vụ cộng đồng.

Gia đình võ sư Nguyễn Hữu Huy với ba người con - Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Quốc Thắng - là một hình mẫu tiêu biểu về sự kế thừa và cống hiến bền bỉ cho Judo Việt Nam. Cả ba người con đều trở thành HLV, trọng tài có uy tín, đóng góp tích cực cho phong trào Judo TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Gia đình cố Tổng Thư ký Liên đoàn Judo Việt Nam Lý Thanh Tâm cũng là một điểm sáng trong làng võ thuật thành phố. Người con trai - Tiến sĩ Lý Đại Nghĩa, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Judo Việt Nam - cùng người vợ là võ sư Trần Mai Thúy Hồng, đã dốc lòng phát triển phong trào Judo đỉnh cao, đồng thời tiên phong trong việc đưa Judo đến với người khuyết tật, mở ra cánh cửa nhân văn đầy cảm động của võ đạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến gia đình võ sư Từ Thiện (Hồ Văn Lành) - Chưởng môn phái Tân Khánh Bà Trà và con trai là TS, võ sư Hồ Tường, những người đã âm thầm và bền bỉ nối tiếp cha ông trong việc bảo tồn và phát triển môn võ Tân Khánh Bà Trà - một dòng võ cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc và tinh thần nghĩa hiệp phương Nam. Gia đình ông không chỉ đào tạo thế hệ trẻ mà còn tích cực tham gia công tác xã hội, lan tỏa hình ảnh người võ sư như một "hiệp sĩ nhân dân" giữa đời thường.

Những gia đình như thế, với truyền thống và tâm huyết, chính là những cột mốc sống của lịch sử võ thuật TP.HCM, góp phần giữ gìn bản sắc, truyền cảm hứng cho thế hệ mới và chứng minh rằng: Võ thuật không chỉ là sức mạnh, mà còn là văn hóa, là di sản tinh thần được trao truyền bằng trái tim và trách nhiệm.

Kỳ vọng về một thế hệ võ đạo mới

Trong lần gặp rất tình cờ mới đây tại Trung tâm HLTTQG TP.HCM vào những tháng 4 năm nay, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự, người có nhiều năm gắn bó với thể thao Việt Nam, đã bày tỏ tình cảm sâu sắc với võ thuật TP.HCM:

"Tôi rất trân quý và có nhiều tình cảm với phong trào võ thuật, đặc biệt là những con người của vùng đất Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây đã đóng góp những thành tích đầu tiên cho thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Nếu được đầu tư đúng mức, được hun đúc tinh thần võ đạo và lòng yêu nước, thì võ thuật Việt Nam- với ngọn cờ đầu là TP.HCM - chắc chắn sẽ gặt hái những thành tích xứng đáng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc."

Với truyền thống võ thuật từ lâu đời, hun đúc trên mảnh đất hào sảng - nơi mà nghĩa khí, nhân văn và tinh thần thượng võ luôn hòa quyện trong từng bước chân người dân - TP.HCM không chỉ là nơi giữ lửa quá khứ, mà còn là nơi khơi dậy những khát vọng lớn cho tương lai võ thuật Việt Nam.

Trong thời khắc đặc biệt - kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, khi cả dân tộc cùng nhìn lại hành trình đã qua và hướng đến một tương lai thịnh vượng, chúng ta có thể tin rằng phong trào võ thuật TP.HCM sẽ tiếp tục được đầu tư, tiếp sức và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Võ thuật TP.HCM sẽ không chỉ đóng góp vào thể thao đỉnh cao, mà còn góp phần xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.

TS. Võ Danh Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới, Nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Thế giới

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm