21/07/2025 08:04 GMT+7 | Giải trí
Với lớp lang ẩn dụ được đan cài tinh tế và tư duy hình ảnh đậm tính nghệ thuật, Đàn cá gỗ (29 phút) của đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt thể hiện một cách sâu sắc nỗi trăn trở của người trẻ: nên dấn bước theo đuổi đam mê hoặc gác lại ước mơ để tìm kiếm sự an toàn trong cuộc sống.
Hiếm khi khán giả Việt Nam được chứng kiến một phim độc lập, lại là phim ngắn, đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng chỉ sau 5 ngày ra rạp. "Hiện tượng phòng vé" này có lẽ cũng nhờ phần hiệu ứng từ ca khúc chủ đề Phép màu của Mounter x MAYDAYs, Minh Tốc, hiện đã có gần 40 triệu lượt nghe.
Từ một đồ án tốt nghiệp
Xuất phát điểm là một đồ án tốt nghiệp, Đàn cá gỗ của Nguyễn Phạm Thành Đạt đã giành giải Phim ngắn xuất sắc nhất tại Cánh diều 2024.
Xét về mặt kịch bản, Đàn cá gỗ cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng trong cách xây dựng cấu trúc và bố cục câu chuyện khi khéo léo thể hiện hành trình giằng xé giữa hoài bão tuổi trẻ và áp lực mưu sinh của nhân vật Cường (Nguyễn Hùng thủ vai).
Nguyễn Hùng vào vai Cường, với nỗi giằng xé giữa nghệ thuật và mưu sinh
Phim không sử dụng những nút thắt gay cấn hoặc cao trào, kịch tính, thay vào đó, đạo diễn kiêm biên kịch Nguyễn Phạm Thành Đạt lựa chọn lối kể giàu chất tự sự, chậm rãi và sâu lắng, tập trung khai thác nội tâm nhân vật thông qua ngôn ngữ hình ảnh.
Trung thành với nguyên tắc "Show, don't tell" (tạm dịch: Bày biện, chứ đừng kể), các nhân vật trong Đàn cá gỗ truyền tải cảm xúc chủ yếu qua ánh mắt và hành vi, hạn chế tối đa lời thoại. Xem phim, có thể thấy Cường thường được đặt trong những vùng tối của khung hình, như một cách ẩn dụ cho những giằng co tâm lý.
Điển hình là phân đoạn ăn cơm tối cùng Hoa (Minh Hà), Cường ngồi lọt thỏm giữa hai cột nhà, với góc máy được đặt thấp hướng lên, góp phần tạo nên cảm giác tù túng, gò bó. Thủ pháp hình ảnh này không chỉ tăng hiệu ứng thị giác, mà còn khéo léo biểu đạt trạng thái bị kìm hãm, cho thấy sự giằng co của nhân vật khi đứng giữa khát vọng cá nhân và thực tại đầy ràng buộc.
Khoảnh khắc Cường chạm tới tự do, hòa mình trong niềm đam mê âm nhạc
Trái ngược với Cường, Hưng (Lãnh Thanh thủ vai) xuất thân trong một gia đình giàu có. Điều này được thể hiện rõ qua cách dàn dựng hình ảnh khi anh thường xuất hiện ở phần sáng của khung hình, mang dáng dấp của người ở thế thượng phong.
Trong phân đoạn bàn bạc tại quán karaoke, sự tương phản về vị thế giữa hai nhân vật được khắc họa rõ nét. Hưng chiếm đến 2/3 khung hình, như một cách nhấn mạnh quyền lực và tầm ảnh hưởng. Trên đầu anh còn xuất hiện biểu tượng kim cương đỏ, gợi nhắc đến lá bài K rô trong bộ bài Tây, như ngầm thể hiện vai trò của Hưng như "người cầm trịch" trong cuộc chơi mà Cường buộc phải tham gia.
Yếu tố ẩn dụ được thể hiện rõ qua hình ảnh biển cả. Không chỉ là nơi Cường sinh ra, chứng kiến anh trưởng thành cùng giấc mơ âm nhạc, mà đây còn là không gian gắn liền với cuộc sống mưu sinh chàng trai trẻ. Song, khi biển không còn đủ nguồn lực để nuôi sống con người, nó trở thành một "nhà tù" vô hình, khiến Cường mắc kẹt trong vòng lặp của gánh nặng cơm áo.
Mặt khác, cây đàn lại là tượng trưng cho khát vọng tự do và niềm đam mê nghệ thuật. Tuy nhiên, chi tiết người cha thả cây đàn trôi theo sóng nước như một lát cắt đầy xót xa, thể hiện cách mà thực tại phũ phàng đang nuốt chửng giấc mơ và lý tưởng của chàng trai trẻ.
Biển trong Đàn cá gỗ không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là tấm gương phản chiếu nội tâm nhân vật Cường. Tính chất biến động của biển - khi thì lặng êm, lúc lại dữ dội ẩn dụ cho hai đối cực cảm xúc trong con người anh. Những lúc Cường được sống với đam mê sáng tác, tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng, hòa cùng sắc trời hoàng hôn ấm áp, tương quan với nội tâm nhân vật ngày còn trẻ bình yên và đầy hy vọng.
Phép màu - chất xúc tác để “Đàn cá gỗ” chạm đến khán giả
Nhưng khi ước mơ bị cuốn trôi bởi gánh nặng mưu sinh, trời trở nên xám xịt và sóng bắt đầu gào thét dữ dội. Sự thay đổi đó ngầm biểu hiện cho cuộc giằng co mãnh liệt giữa khát vọng nghệ thuật và thực tại nghiệt ngã.
Bước ngoặt cuối phim khi Cường đắm chìm trong thế giới âm nhạc, một khoảnh khắc thăng hoa hiếm hoi khi anh được sống trọn vẹn với đam mê. Thế nhưng, không gian nơi anh đứng lại là dưới lòng biển. Dù âm nhạc đưa Cường chạm đến cảm giác tự do, nhưng thực tế vẫn bủa vây, nhấn chìm người nghệ sĩ. Khoảnh khắc ấy, suy cho cùng, chỉ là một giấc mơ ngắn ngủi và anh buộc phải tỉnh giấc, đối mặt với đời sống thực tại khắc nghiệt.
Đồng hành cùng Cường là nhân vật Hoa, dù chỉ xuất hiện trong vài phân đoạn ngắn ngủi, nhưng cô nàng vẫn tạo được dấu ấn riêng. Đúng với câu nói "người phụ nữ là hậu phương vững chắc của người đàn ông". Ngoài biển, thời điểm Cường quyết định gác lại giấc mơ nghệ thuật, dù bật khóc bất lực, song Hoa đã nhanh chóng lau đi giọt nước mắt, như một cách giấu nỗi buồn. Qua đó cho thấy Hoa đồng cảm, thấu hiểu cho sự khó khăn của chồng.
Đến nhiều tầng ý nghĩa biểu tượng
Phim ngắn vốn dĩ là thể loại kén người xem, đòi hỏi sự tập trung và cảm thụ cao hơn so với những bộ phim thương mại quen thuộc. Chỉ trong khuôn khổ 29 phút, tác phẩm buộc phải gói ghém và truyền tải trọn vẹn thông điệp. Vì vậy, khó tránh khỏi việc phim trở nên xa lạ với số đông khán giả đại chúng.
Phim có nhiều góc máy đậm chất điện ảnh
Cái kết bỏ lửng của Đàn cá gỗ càng khiến người xem trở nên bối rối: Cường sẽ tiếp tục gắn bó với chiếc thuyền mưu sinh mà cha để lại, hoặc sẽ có đủ dũng khí để quay về với giấc mơ âm nhạc còn dang dở? Đây cũng chính là nỗi trăn trở của không ít người trẻ hiện nay: theo đuổi đam mê hoặc chấp nhận hy sinh để ổn định, tồn tại trong vòng xoáy mưu sinh?
Ngay từ nhan đề, Đàn cá gỗ đã mang nhiều tầng ý nghĩa biểu tượng. Trong đời sống ngư dân, đàn cá gỗ thường được xem như hình ảnh đại diện cho sự thiếu thốn, những bữa cơm đạm bạc giữa đời sống mưu sinh khắc nghiệt. Nhưng vượt lên giá trị vật chất, cái tên này còn mở ra nhiều lớp nghĩa liên quan đến nội tâm và hành trình của nhân vật Cường.
Về mặt hình ảnh, "đàn cá" là biểu tượng của sự chuyển động, linh hoạt, phản ánh tâm hồn nghệ sĩ luôn khao khát tự do, muốn sống hết mình với niềm đam mê âm nhạc. Ngược lại, "gỗ" lại mang tính chất thụ động, cứng nhắc, như một lực cản vô hình, gợi lên cảm giác bị giam hãm giữa những mối lo về cơm áo gạo tiền.
Cường, trong hành trình của mình, chính là mắc kẹt giữa hai thái cực ấy: một bên là khát vọng nghệ thuật, một bên là hiện thực đời sống nặng nề.
Khi tách rời ba yếu tố "đàn", "cá" và "gỗ", ta càng thấy rõ sự phân thân trong nội tâm nhân vật: "đàn" tượng trưng cho đam mê âm nhạc - giấc mơ Cường đã ấp ủ từ thuở bé, "cá" là biểu trưng cho nghề cha truyền lại - cái nghiệp đánh cá gắn bó với vùng biển quê nhà, còn "gỗ" đại diện cho chiếc thuyền mưu sinh, cũng là phương tiện sinh tồn nhưng đồng thời là sợi dây ràng buộc khiến anh khó thoát ly.
Cuộc hôn nhân lãng mạn của Cường và Hoa
Tên phim vì thế không chỉ giàu tính ẩn dụ mà còn là một cách cô đọng toàn bộ chủ đề phim. Qua đó, thể hiện sự giằng co giữa lý tưởng và thực tại, giữa cái tôi nghệ sĩ và trách nhiệm gia đình.
Nguyễn Hùng và Minh Hà đều là gương mặt mới của màn ảnh Việt, nhìn chung cả hai đã thể hiện tròn vai. Không dùng quá nhiều thoại, thông qua ánh mắt, biểu cảm và ngôn ngữ hình thể, cặp diễn viên cho thấy khả năng nhập vai tự nhiên, tiết chế vừa đủ.
Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm diễn xuất nên điểm hạn chế nằm ở phần đài từ. Cách phát âm của các nhân vật đôi lúc chưa rõ ràng, còn dính chữ hoặc nuốt âm, khiến khán giả khó nắm bắt được trọn vẹn lời thoại. Trong một số phân đoạn, người xem buộc phải dựa vào phụ đề để hiểu nội dung.
Ngay từ ban đầu, tác phẩm xác định mục đích chính là đồ án tốt nghiệp chứ không phải đem ra thi thố hoặc công chiếu. Cho nên, nếu phim có khó tiếp cận số đông khán giả cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhờ sự chỉn chu trong ngôn ngữ điện ảnh, cùng cách triển khai nội dung có chiều sâu, phim đã tìm được sự đồng điệu với một bộ phận khán giả, quả là đáng mừng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất