Phim chiến tranh cách mạng: Từ "Chung một dòng sông" đến "Mưa đỏ"
Kể từ bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam: Chung một dòng sông, trải qua hơn 60 năm, trong thời gian gần đây, phim đề tài chiến tranh của Việt Nam đã thu hút khán giả ở rạp chiếu, thậm chí tạo nên những "cơn sốt vé".
Báo Thể thao và Văn hoá giới thiệu bài viết của PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - mà như ông chia sẻ, với một chủ đề rộng thì khuôn khổ một bài báo vẫn chưa thể diễn tả hết.
Kể từ sự ra đời của bộ phim truyện điện ảnh đầu tiên Chung một dòng sông vào năm 1959, đến nhiều năm tiếp theo, tại miền Bắc, điện ảnh Việt Nam được nuôi dưỡng trong chế độ bao cấp kinh phí của nhà nước đã phát triển xứng đáng với nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Cảnh trong phim “Chung một dòng sông”
Hàng loạt các bộ phim truyện về đề tài cách mạng, về kháng chiến chống ngoại xâm như: Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Kim Đồng, Lửa trung tuyến, Người chiến sĩ trẻ... nối tiếp nhau ra đời, trong đó có nhiều tác phẩm đạt giá trị kinh điển. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, vô vàn những khó khăn gian khổ nhưng với sức sáng tạo không ngừng, điện ảnh Việt Nam đã cho ra đời nhiều bộ phim truyện phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền trên "mặt trận văn hóa nghệ thuật" như: Nổi gió, Đường về quê mẹ… cùng nhiều phim tài liệu như: Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Đầu sóng ngọn gió, Những người dân quê tôi, Lũy thép Vĩnh Linh… Cho tới chiến dịch Hồ Chí Minh và đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, nhiều bộ phim có giá trị như: Thành phố lúc rạng đông, Đường tới thành phố, Những bước chân thắng lợi, Sài Gòn Tháng 5 năm 1975... Có thể dễ dàng nhận diện, cho đến lúc này điện ảnh Việt Nam "được biết đến như một nền điện ảnh chiến tranh".
Phim “Cánh đồng hoang”
Đã 50 năm... một chặng đường "đổi mới và hội nhập", Điện ảnh Việt Nam cũng đã đồng hành cùng với tiến trình xây dựng và phát triển chung của nền văn học nghệ thuật Việt Nam trọn đầy nửa thế kỷ. Kể từ đó, văn nghệ sĩ điện ảnh hai miền Nam, Bắc cùng bắt tay xây dựng nền điện ảnh mới, với nhiều bộ phim thể hiện nhiều đề tài mới: Sao Tháng Tám, (ĐD Trần Đắc, 1976), Mối tình đầu (ĐD Hải Ninh, 1977), Cánh đồng hoang (ĐD Hồng Sến, 1979), Bao giờ cho đến Tháng Mười (ĐD Đặng Nhật Minh, 1984), Ván bài lật ngửa (8 tập, 1982 - 1987 của đạo diễn Lê Hoàng Hoa)... và rất nhiều bộ phim khác mà tác giả bài viết không thể nêu hết. Đề tài chiến tranh mang lại nhiều giải thưởng quốc tế, và có nhiều tác phẩm điện ảnh đã trở thành những phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Có thể nhắc tới tên một số bộ phim về đề tài chiến tranh do nhà nước đặt hàng như: Lưỡi dao (1995), Ai xuôi vạn lý (1996), Chiếc chìa khóa vàng (2000) cùng của Đạo diễn Lê Hoàng. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh có Ngã ba Đồng Lộc (1997) và Bến không chồng (2000); Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân có Đời cát (1999), Người đàn bà mộng du (2001); Đạo diễn Đặng Nhật Minh có Đừng đốt (2009); Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng có Đường thư (2004) và Những người viết huyền thoại (2013); Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười có Mùi cỏ cháy (2011); Đạo diễn Vương Đức có Nhà Tiên tri (2015). Rồi Truyền thuyết về Quán Tiên (2019, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ); Bình minh đỏ (2021, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - Trần Chí Thành); Đào, phở và piano (2023, đạo diễn Phi Tiến Sơn)...
Cảnh trong phim “Bao giờ cho tới tháng Mười”
Đáng tiếc là, nhiều phim về đề tài phim chiến tranh được nhà nước đầu tư sản xuất nhưng lại ít đến được với khán giả. Nhiều phim chỉ chiếu khai mạc mà không được quảng bá hay truyền thông chiếu vài buổi rồi "cất kho". Thế nên khi Đào, phở và piano (Đạo diễn Phi Tiến Sơn) được chiếu thí điểm vào dịp Tết Nguyên đán 2024 đã gây tiếng vang, tạo cơn sốt vé đến mức mạng đặt vé online còn bị "sập"… Đúng là một hiện tượng. Bộ phim đạt tổng doanh thu trên 20 tỷ đồng là một cú hích lớn khiến các cấp quản lý cần điều chỉnh cơ chế đầu tư và khai thác có hiệu quả vốn đầu tư công. Sau Đào, phở và piano, thì Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối (ĐD Bùi Thạc Chuyên) cũng tạo nên "cơn sốt" khi đã cán mốc hơn 130 tỷ đồng tổng doanh thu - đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Và mừng hơn là vốn sản xuất phim này là do tư nhân đầu tư.
Vừa qua, Điện ảnh Quân đội tổ chức chiếu phim chào mừng kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, với Hoa Ban đỏ, Ký ức Điện Biên, Sống cùng lịch sử ... (là những bộ phim về đề tài chiến tranh - chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mà trước đây đã từng phát hành nhưng do ít quảng cáo nên không có nhiều người xem). Nay, lại có rất đông khán giả đến chật kín phố Lý Nam Đế để xếp hàng vào xem phim. Đặc biệt có nhiều bạn trẻ phải đứng hoặc ngồi ngay trên các bậc lối đi, ngồi ngay lên sàn rạp chiếu.
Áp phích một số phim Việt Nam tiêu biểu
Quay lại câu chuyện đề tài chiến tranh trong điện ảnh. Đất nước chúng ta được giữ gìn bảo vệ trong khói lửa các cuộc chiến tranh với biết bao máu và nước mắt. Trong nhiều hội thảo đã có nhiều ý kiến cho rằng điện ảnh còn "nợ" dân tộc này những bộ phim về đề tài lịch sử. Chúng ta có một chiều dài lịch sử từ thời Hai Bà Trưng - Bà Triệu, Ngô Quyền, đến suốt các thời kỳ Lý - Trần - Lê… rồi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ… mà phim về lịch sử vẫn còn khiêm tốn về số lượng và cả chất lượng. Lý do chính là bởi làm phim về đề tài chiến tranh, về lịch sử là rất khó, và tốn kém từ bối cảnh, trang phục, từ tư liệu lịch sử … đến kinh phí đầu tư. Đã thế đề tài kén khách này lại cần có truyền thông để làm sao thu hút được sự chú ý của khán giả.
Hơn nữa, về cơ chế, phim nhà nước đầu tư lại chưa cho phép có sự kết hợp giữa đầu tư công và tư. Có những bộ phim cần kinh phí thích đáng mà nhà nước đầu tư có hạn, nên cho phép kết hợp thêm hình thức xã hội hoá sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn về vốn cho hoạt động sản xuất phim như hiện nay.
Phim trường "Mưa đỏ" được đầu tư công phu, hoành tráng. Ảnh: ĐPCC
Sắp tới đây, điện ảnh Việt Nam sẽ có tác phẩm Mưa đỏ do Điện ảnh quân đội sản xuất dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025), Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025). Hy vọng là đề tài chiến tranh sẽ được thể hiện sống động qua tác phẩm mới và sẽ được khán giả đón nhận!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất