Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Cuộc sum họp lớn nhất trong lịch sử!"
Mở đầu cuộc trò chuyện, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ với người viết về những năm "kết thúc bằng số 5" luôn mang tính bản lề trong lịch sử Việt Nam. Đó là năm 1945, khi Việt Nam giành độc lập, thành lập Nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên trong khu vực. Là năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Rồi năm 1995 - thời điểm hội nhập mạnh mẽ với thế giới...
Còn bây giờ, năm 2025 - khi cả nước bước sang một giai đoạn phát triển mới - cũng là lúc chúng ta đi qua tròn nửa thế kỷ, kể từ cột mốc 30/4/1975. Như bất cứ người Việt Nam nào từng chứng kiến sự kiện lịch sử ấy, ông Quốc cũng có những kỷ niệm và ký ức riêng của mình. Và hơn thế, đó là những ký ức gắn với góc nhìn của một nhà sử học.
Từ những tấm bản đồ...
Ông Dương Trung Quốc kể:
- Năm 1975 gắn với tôi bởi nhiều kỷ niệm. Vài tuần trước ngày thống nhất chính là thời điểm tôi lập gia đình (cười). Còn trước đó, lần đầu tiên tôi được gọi nhập ngũ. Thật ra, tôi là con liệt sĩ nên vào những năm trước vẫn được hưởng những chính sách nhất định về việc này (bố ông Quốc hy sinh năm 1947 trong dịp toàn quốc kháng chiến - TT&VH). Nhưng trong giai đoạn gần như tổng động viên khi đó, tôi nhận giấy báo.
Có giấy gọi thì mình sẵn sàng lên đường thôi, và không phải không có những háo hức trong không khí sôi động chung khi ấy. Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn kế tiếp, lệnh nhập ngũ với tôi và nhiều người cùng lứa được tạm hoãn lại. Đó là thời điểm khoảng cuối tháng 3, sau khi Đà Nẵng được giải phóng và thắng lợi cuối cùng đã gần kề.
Thay vì nhập ngũ, tôi và một số cán bộ của Viện sử học khi ấy được huy động để làm một nhiệm vụ khác: Nghiên cứu, đánh giá, tham vấn… cho các Ủy ban quân quản về hệ thống tên đường phố tại những đô thị vừa giải phóng.
Vợ chồng nhà sử học Dương Trung Quốc trong bức ảnh kỷ niệm 50 năm ngày cưới - đúng vào dịp tháng 4/1975
* Ông có thể kể rõ về nhiệm vụ này?
- Vắn tắt thì chúng ta khi đó đã nhìn thấy trước việc cần nghiên cứu hệ thống tên đường tại các đô thị phía Nam để tiếp tục duy trì, cũng như điều chỉnh nếu cần thiết. Nhóm chúng tôi gồm một số cán bộ, trong đó có tôi, anh Tạ Ngọc Liễn (sau này là GS sử học), đứng đầu là GS Nguyễn Đổng Chi.
Thật ra, khó khăn đầu tiên trong việc này là tìm kiếm nguồn tư liệu. Chúng tôi có được cung cấp một số bản đồ từ Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Tổng tham mưu, nhưng chúng khá sơ sài. Sau đó, không rõ từ nguồn nào, Viện Sử học nhận được một bộ bản đồ khá đầy đủ. Khi xem, chúng tôi rất thú vị khi thấy nhiều đô thị phía Nam cũng chọn tên các anh hùng dân tộc để đặt cho đường phố, như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo. Rồi những khái niệm mới theo cách gọi của đồng bào miền Nam hiện ra. Bùng binh chẳng hạn. Rồi công trường - giống như quảng trường ngoài này, chứ không phải những nơi đang xây dựng ngổn ngang như ta quen nghĩ (cười).
Nói chung, việc được tiếp cận và nghiên cứu bản đồ đô thị, với suy nghĩ rằng đây là những thành phố đã, hoặc sắp thuộc về một nước Việt Nam thống nhất là một ấn tượng với tôi trong dịp đó…
Mũi đấu tranh chính trị vũ trang sát ven đô tham gia giải phóng Sài Gòn. Ảnh: Minh Lộc – TTXVN
* Còn ký ức của ông về ngày 30/4/1975?
- Thật ra, đó là một chuỗi ngày nối nhau. Từ đầu tháng 4, sau khi giải phóng Đà Nẵng thì cả Hà Nội đã sôi sục rồi. Từng ngày từng giờ, người dân thành phố truyền nhau những thông tin mới nhất về tình hình chiến sự và bước tiến của các cánh quân đang dần áp sát Sài Gòn. Hệ thống loa phóng thanh, rồi loa truyền thanh nối tới từng nhà, luôn hoạt động hết công suất.
Có rất nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau khi ấy, nhưng tôi nhớ nhất là những tấm bản đồ Việt Nam thống nhất. Chúng xuất hiện khắp nơi, và "trend" của các gia đình khi ấy là mua bản đồ, rồi vài ngày lại dán thêm hình lá cờ vào những nơi chúng ta vừa giải phóng. Trong đó, lớn nhất và nổi bật nhất có lẽ là tấm bản đồ tại nhà Khai Trí Tiến Đức ở 16 Lê Thái Tổ, vốn được dùng làm Câu lạc bộ Thống Nhất dành cho những đồng bào miền Nam tập kết. Bản đồ rất lớn, gần như ai đi qua Hồ Gươm cũng dừng xem.
Như mọi người, dịp ấy, tôi không còn nhiều tâm trí cho những việc khác. Đi làm, gặp nhau, 2 chữ "Sài Gòn" luôn là đầu câu chuyện. Rồi trưa 30/4/1975, tin chiến thắng đến rất nhanh. Một cách tự nhiên, người dân ùa xuống đường, với cờ, khẩu hiệu và niềm vui trên gương mặt...
… tới cuộc sum họp của lịch sử
Vui hơn cả Tết
Trong trí nhớ của tôi, đầu 1973, Tết giao thừa (âm lịch) tại Hà Nội cũng từng là một sự kiện vô cùng ấn tượng, khi người dân hân hoan đón cái Tết hòa bình đầu tiên trong nhiều năm. Nhưng so với nó, ngày 30/4/1975 có lẽ còn sôi động hơn: Không phải là Tết nhưng giờ đây, bên cạnh ý niệm về hòa bình, chúng ta có thêm niềm vui được thống nhất, được sum họp một nhà…
* Vậy sau ngày 30/4 bao lâu thì ông có dịp vào Sài Gòn?
- Tháng 9/1975, tôi có chuyến đi ngắn chừng một tháng. Còn chuyến sau đó vào năm 1976 thì dài hơn nhiều. Trước khi đi, có câu chuyện ít nhiều cũng gọi là liên quan tới người thân: Gia đình tôi ở Hà Nội bất ngờ nhận được một giấy mời từ hãng nước mắm Liên Thành đang đặt tại Sài Gòn. Vắn tắt thì ông nội tôi mất đã lâu, nhưng khi xưa là cổ đông của hãng nước mắm này. Giờ đây, Bắc Nam thống nhất, gia đình được mời họp cổ đông sau gần 30 năm gián đoạn, trước khi hãng này chuyển sang mô hình hoạt động khác.
Vào đó, tới trụ sở ở đường Bến Vân Đồn, tôi hiểu thêm về khái niệm "dịch vụ" của nền kinh tế phía Nam. Nữ nhân viên của hãng mặc áo dài xanh rất lịch sự, đưa tôi vào phòng khách, mời nước, rồi một thủ quỹ mang sổ sách và máy tính ra trình bày rất tỉ mỉ, minh bạch về tình hình kinh doanh, cũng như lợi tức từ giá trị cổ phần qua từng thời kỳ.
Những chiến sĩ bộ đội thông tin Quảng Ngãi lập chiến công xuất sắc trong chiến dịch đại thắng mùa xuân năm 1975. Ảnh: TTXVN
* Xin phép hỏi vui một chút, số tiền cổ tức sau 30 năm ấy có cao không?
- Thật ra, qua mấy lần đổi tiền từ thời Pháp thuộc, giá trị của cổ phần cũng nhỏ dần, chỉ còn là một món tiền rất vừa phải sau khi kết toán, đâu như đủ để tôi mua một chiếc tivi mang ra Hà Nội (cười). Ngoài tiền, thì hãng có gửi tôi can nước mắm 2 lít làm quà tặng.
Giá trị không nhiều, nhưng cách làm việc tận tình, minh bạch và lịch sự của một doanh nghiệp tư nhân như vậy khiến tôi ấn tượng mạnh. Và có lẽ, nó sẽ giúp tôi hiểu thêm về sự năng động của nền kinh tế phía Nam trong giai đoạn phát triển sau này...
Ngoài chuyện cổ phần ấy, trong chuyến đi Sài Gòn tôi còn có dịp gặp lại những người thân trong gia đình. Dễ hiểu thôi, như nhiều gia đình khác, tôi cũng có những người thân mất liên lạc từ năm 1954. Rồi những người họ hàng từ nước ngoài trở về miền Nam trong giai đoạn trước 1975. Rồi người quen, bạn bè từ nhỏ. Mọi người đều muốn gặp lại, xem thằng nhỏ ngày xưa ngoài Bắc giờ thế nào, đầu tóc, hình hài ra sao (cười).
* Tôi cũng từng được nghe một số câu chuyện tương tự, với âm hưởng chung là sự xúc động, nghẹn ngào của một cuộc sum họp mà lịch sử mang lại cho nhiều gia đình Việt Nam?
- Ở góc độ riêng tư, tôi chỉ xin kể câu chuyện của mình. Thẳng thắn, một số người ở lại miền Nam ngày ấy - thay vì di tản - cũng đều có những băn khoăn, những câu hỏi nhất định về sự thay đổi trước mắt. Rồi, một số tri thức mà tôi có dịp gặp gỡ cũng có những tâm sự và nỗi niềm riêng. Nhưng vượt lên trên tất cả, niềm vui khi gặp gỡ, sum họp cùng người thân, cùng bạn bè sau hàng chục năm là có thật.
Và ở góc độ rộng hơn, cũng có thể nói đó là sự kiện 30/4/1975 đã mở ra một cuộc sum họp lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Đó là cuộc sum họp của những gia đình bị chia cắt như trường hợp của tôi, là cuộc sum họp với những người thân từ chiến trường trở về khi hòa bình lập lại. Trên tất cả, đó là cuộc sum họp của đồng bào Bắc - Nam, khi cả dân tộc hoàn thành một sứ mệnh lịch sử là thống nhất đất nước.
Bộ đội ta hành quân ra trận. Ảnh: Thanh Tụng - TTXVN
* Ông có thể nói gì thêm về cột mốc 30/4/1975, khi chúng ta nhìn lại nó sau nửa thế kỷ?
- Tôi muốn nhắc lại một câu chuyện cũ: Trong lễ Giỗ tổ năm 1946 tại đền Hùng- lễ Giỗ tổ đầu tiên của chúng ta sau khi giành độc lập - các đại biểu Chính phủ và Quốc hội đã dâng lên bàn thờ một lễ vật quan trọng: Tấm bản đồ Việt Nam thống nhất Bắc - Trung - Nam kèm theo lá cờ đỏ sao vàng. Đặt trong bối cảnh bị chia làm ba kỳ từ thời Pháp thuộc, cùng vấn đề Nam Bộ chưa được người Pháp giải quyết, câu chuyện ấy cho thấy rõ: Thống nhất lãnh thổ luôn là khát vọng thường trực muôn đời của tất cả người Việt Nam.
Nhìn vào bối cảnh thế giới hiện đại đang có nhiều biến cố phức tạp, có thể thấy: Việc có một quốc gia thống nhất là một tài sản rất lớn của dân tộc, và cũng là một nền tảng quan trọng nhất để phát triển, trong hiện tại cũng như tương lai!
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất