Nghệ sĩ tham gia quảng cáo: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"

19/04/2025 06:56 GMT+7 | Văn hoá

Còn nhớ, tại cuộc gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc nhân năm mới 2025 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành phần lớn thời lượng bài phát biểu điểm lại những công lao, đóng góp to lớn của các văn nghệ sĩ. Từ năm 1943 ngay từ khi ta chưa giành được chính quyền nhưng Đảng đã đề ra Đề cương văn hóa Việt Nam với quan điểm Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi góp phần giúp dân tộc ta vượt qua những giai đoạn vô cùng ngặt nghèo.

Nhưng nhìn về hiện tại, Tổng Bí thư có dành một lời nhắc nhở khiến những người nghệ sĩ hiện nay phải "giật mình" nhìn thẳng vào sự thật: "Một số văn nghệ sĩ còn chạy theo thị hiếu tầm thường, theo lợi ích cá nhân trước mắt, sa ngã, vi phạm pháp luật".

Chưa bao giờ việc nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật lại gây phẫn nộ như hiện nay. Khi những hàng hóa này tác động thẳng tới những người yếu thế, những đối tượng nhạy cảm cần được bảo vệ trong xã hội như trẻ em mắc bệnh, trẻ sơ sinh, người bệnh sau phẫu thuật…

Nghệ sĩ tham gia quảng cáo: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng trong đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả. Nguồn: VTV

Với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, các kênh tương tác của nghệ sĩ với người hâm mộ càng trở nên dễ dàng, trực tiếp. Và việc những nghệ sĩ tận dụng sự ủng hộ của những người hâm mộ cho mục đích của mình càng dễ dàng hơn.

Các nghệ sĩ ngôi sao đều có phân khúc riêng mình, đa dạng như hàng hóa trên thị trường. Những ngôi sao hạng A đại diện, quảng cáo cho các thương hiệu lớn, mặt hàng xa xỉ. Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng đủ tầm để chọn và được chọn quảng cáo cho các thương hiệu được lịch sử thị trường và các quy chuẩn khắt khe bảo chứng. Đó là những nghệ sĩ bình dân hướng đến đối tượng công chúng bình dân hơn. Thậm chí chính các nghệ sĩ hạng A cũng nhận quảng cáo cho các thương hiệu bình dân để có thêm thu nhập và tăng độ phủ sóng.

Nhiều người còn nhớ, nghệ sĩ quá cố Giang Còi chưa từng một lần đóng quảng cáo. Nghệ sĩ Giang Còi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng lại được đông đảo khán giả yêu mến khi vào vai nông dân. Cả sự nghiệp diễn xuất hơn 30 năm, cố nghệ sĩ chưa từng một lần nhận lời đóng quảng cáo cho bất kỳ nhãn hãng nào. 

Ông từng thẳng thắn chia sẻ lý do mà khi đọc lại chúng ta không khỏi giật mình về tính "tiên tri" của nó: "Khi mình quảng cáo cho một doanh nghiệp nào đó, thì mình mang hình ảnh của mình, uy tín của mình, mời gọi tất cả người dân Việt yêu thương mình mua hàng của họ. Nhưng nếu một ngày không đẹp trời, lộ ra rằng mình đã quảng cáo cho giá sữa tăng gấp 8 lần cho trẻ con nước mình, hoặc quảng cáo sữa có chất melamine, sữa có chất gây ung thư cho trẻ em Việt, hoặc quảng cáo cho rau sạch mà phun đẫm thuốc sâu thì cái mặt mình nó chui vào đâu?".

Khi nghệ sĩ sử dụng sức ảnh hưởng của mình cho mục đích thu lợi không minh bạch hậu quả không chỉ dừng ở mức sai sót nghề nghiệp, đó còn là một nhát chém lớn vào lòng tin công chúng. Không chỉ kênh thông tin trên các trang mạng xã hội cá nhân của họ mất uy tín, mà các kênh truyền thông chính thống và những tổ chức xã hội đã kết nạp, tôn vinh hay bổ nhiệm họ cũng bị "vạ lây". Bởi họ xuất hiện trên rất nhiều phương tiện truyền thông khi "chưa bị lộ". Công chúng không chỉ mất niềm tin vào họ mà mất cả niềm tin vào các thiết chế mà công chúng coi là chỗ dựa về truyền thông.

Không phải ai cũng đủ dũng cảm đặt chữ Tâm lên trên chữ Tài như nghệ sĩ Giang Còi. Nguyễn Du từng viết hai câu thơ: Có Tài mà cậy chi Tài. Chữ Tài liền với chữ Tai một vần. Nghệ sĩ, người cống hiến tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật họ theo đuổi, thời nào cũng đáng được tôn vinh, yêu mến. Chữ Tài mang lại vinh quang nhưng chữ Tài nếu không đặt trên nó là chữ Tâm thì cũng sinh ra bao nhiêu tai họa. Nguyễn Du gọi đó là chữ Tai. Tai họa lớn nhất là họ đã mang chính tài năng, sự ảnh hưởng của mình tiếp tay cho những gian thương làm hại xã hội, làm hại bao nhiêu đồng bào, nhất là trẻ em, người yếu thế.

Nhắc lại lời Tổng bí thư, đó cũng là một lời răn để một số nghệ sĩ tự sửa mình. Như thi hào dân tộc Nguyễn Du xưa đã để lại một lời chốt với triết lý sâu xa: Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Không thể bao biện hay đổ lỗi cho điều gì khi người nghệ sĩ không mang cái Tâm của mình ra.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm