19/07/2025 07:34 GMT+7 | Văn hoá
Trong nhịp sống hiện đại, khi thông tin bủa vây từng khoảnh khắc của đời sống, nhiều đứa trẻ dường như đang đánh mất dần khả năng rung động, trí tưởng tượng và nhu cầu bày tỏ cảm xúc nội tâm.
Trong bối cảnh ấy, việc viết không chỉ là một kỹ năng học đường, mà còn là phương tiện để thể hiện bản thân trong hành trình phát triển toàn diện của trẻ.
Nhằm tạo không gian cho trẻ được lắng nghe và thể hiện chính mình, Câu lạc bộ "Đọc sách cùng con" đã tổ chức buổi workshop sáng tác với chủ đề “Kể câu chuyện của mình”. Tại đây, dưới sự dẫn dắt của Tiến sĩ giáo dục, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, những chia sẻ chân thành và gợi mở đã được cất lên, từ chính trải nghiệm của chị và những quan sát tinh tế với trẻ em qua nhiều năm làm việc.
“Không dễ xác định chính xác thời điểm trẻ muốn viết, nhưng nhu cầu thể hiện bản thân qua lời nói, chữ viết thì xuất hiện từ rất sớm”, TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ.
Nhà thơ - TS Nguyễn Thụy Anh tại workshop
Ngay cả khi chưa biết mặt chữ, trẻ nhỏ đã thích kể lại những điều mình thấy, những điều mình nghĩ. Từ những lời kể đơn sơ, từ vài nét vẽ nguệch ngoạc hay bài thơ không vần, nhiều bạn nhỏ đã bộc lộ được trí tưởng tượng phong phú - điều mà người lớn đôi khi dễ lầm tưởng là nói dối. Thực tế, đó lại là bằng chứng của tâm hồn đang phát triển mạnh mẽ. Nếu người lớn đủ tinh tế để lắng nghe, họ sẽ nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của một thế giới nội tâm đang cần được biểu đạt và trân trọng.
Điều quan trọng nhất không phải là dạy trẻ viết cái gì, mà là tạo ra môi trường để trẻ được viết, được kể, được là chính mình. Đó là không gian tự do - nơi không có sự phán xét, không có những lời sửa lỗi vội vã, chỉ có sự khuyến khích bằng những câu hỏi mở và những phản hồi lắng nghe tích cực.
“Chỉ cần một tiếng "ồ", "à" cũng đủ để con biết rằng điều mình kể có người lắng nghe và trân trọng”, chị nói.
Bởi với một đứa trẻ, chỉ cần tin rằng câu chuyện của mình có giá trị, thì dù đó là về một chú cá heo tưởng tượng trong bể bơi hay vài dòng nhật ký bí mật, điều đó cũng đủ để chúng can đảm bước vào thế giới của biểu đạt và sáng tạo.
***
Trong những năm gần đây, văn học thiếu nhi đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm. Các giải thưởng như Dế Mèn, các cuộc thi viết cho thiếu nhi, hay làn sóng tác giả nhí ngày càng nhiều lên, minh chứng cho một nền văn học trẻ đang khởi sắc. Những cái tên như Ngô Gia Thiên An với thơ ca từ năm 11 tuổi, hay Cao Việt Quỳnh - tác giả của những "Người sao chổi" và "Lục địa rồng" - có lẽ không phải là “thần đồng”, mà là những đứa trẻ được nuôi dưỡng: bằng sự lắng nghe, đồng hành và thấu hiểu từ gia đình.
Không phải đứa trẻ nào cầm bút cũng trở thành nhà văn. Nhưng như TS Nguyễn Thụy Anh khẳng định, viết là một hình thức phát triển bản thân, đặc biệt trong bối cảnh thế hệ Gen Z hay Alpha đang đối diện với những tác động tiêu cực từ mạng xã hội. Viết giúp trẻ “thoát ra” khỏi vòng lặp suy nghĩ mông lung, là nơi trú ngụ an toàn cho cảm xúc.
Các bạn nhỏ trong workshop sáng tác với chủ đề “Kể câu chuyện của mình”
Dẫu chương trình học hiện nay cung cấp nhiều công cụ ngôn ngữ, nhưng điều còn thiếu chính là không gian cho trẻ thật sự được “viết mình ra”. TS Nguyễn Thụy Anh kỳ vọng vào những mô hình nhẹ nhàng như câu lạc bộ sáng tác, các giờ viết tự do, nơi trẻ được khuyến khích kể lại câu chuyện của chính mình - không phải để đạt điểm cao, mà để trưởng thành.
Buổi workshop kết thúc bằng ánh mắt rạng rỡ của những bạn nhỏ - mỗi người với một câu chuyện riêng. Có thể chưa trọn vẹn, có thể còn vụng về, nhưng tất cả đều là những bước đầu tiên trên hành trình trưởng thành bằng ngôn từ.
Từ những hiệu ứng tích cực của chương trình, Câu lạc bộ Đọc sách cùng con nhận thấy nhu cầu rất lớn của trẻ trong việc được viết ra và chia sẻ những điều gần gũi, tưởng như nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc trong quá trình lớn lên. Chính vì vậy, trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động sáng tác tương tự để đồng hành cùng trẻ kể lên những câu chuyện của mình. Bởi mỗi đứa trẻ đều có một thế giới nội tâm đang chờ được lắng nghe.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất