05/07/2025 07:41 GMT+7 | Văn hoá
Tôi giữ chuyên mục văn hóa từ năm 2000, đến nay vừa tròn 1/4 thế kỉ. Trong 25 năm ấy cũng có đôi ba lần đứt đoạn, khi tôi lâm bệnh phải nghỉ. Nhưng lần nghỉ dài nhất chỉ chừng vài ba tháng thôi, rồi sau lại tiếp tục.
Giữ chuyên mục cứ tuần một bài. Cứ đến hẹn lại lên. Công việc như người lính bám chốt, không thể lơ là. Cũng có hôm quên, nhưng được nhắc kịp thời rồi vẫn không lỡ việc. Vì đơn giản thôi, bao giờ tôi cũng nghĩ sẵn đề tài như súng đã nạp đạn.
Chuyên mục tôi nhận với báo là chuyên mục Văn hóa. Đó là vùng trời được giao cho tung tẩy. Còn nhớ ngày đầu, chú biên tập viên của báo mời đến đề nghị hợp tác, tôi không nghĩ mình làm được. Thế mà thật thần kì, mọi việc cuối cùng đều suôn sẻ như cái dây leo có chỗ bám, cứ thế phát triển.
Ảnh minh hoạ: Internet
25 năm, tôi viết hàng ngàn tản văn, tạp văn. Chuyện trên rừng, dưới biển, ca dao tục ngữ, văn hóa đồng quê, chuyện nghề, những vẻ đẹp trong dân gian. Có khi là chuyện về con người, khi về núi non sông biển rồi đến côn trùng chim chóc thú vật mà mình từng tiếp cận, ngẫm nghĩ thấy những giá trị từ đó… Tựu trung, đều là những giá trị văn hóa từ thiên nhiên và con người đem lại. Nay mà tập hợp lại cũng có mấy ngàn trang sách.
Tản văn là cái cầu nối giữa văn học và báo chí. Là dạng "thông tấn" trong văn chương. Mỗi câu chuyện trong tản văn là cái hiện hữu, đang diễn ra trong cuộc sống, mỗi câu chuyện đưa lên là một vấn đề đang xảy ra. Tôi viết tản văn không có chuyện mây bay, gió thổi, mà qua chuyện trời, chuyện đất đưa người ta đến một vấn đề để cùng suy ngẫm, để hiểu thêm nhiều giá trị của cuộc sống. Hoàn toàn không có chuyện bông phèng, cá nhân.
***
Một phần tư thế kỉ, ngoài tờ báo tôi giữ chuyên mục, còn viết cho nhiều báo và tạp chí khác. Càng viết càng nhận ra nhiều vấn đề trong cuộc sống. Nhà văn Tô Hoài có lần nói với tôi: Viết phải quan sát và suy ngẫm, các vấn đề xã hội luôn xuất hiện theo thời gian. Phải biết nhận diện nó cả phần sáng và phần lẩn trong bóng tối. Hiểu điều đó thì nhìn cây chổi quét nhà cũng ra câu chuyện xã hội. Trong đó nó có đủ cả đấy.
Tôi nghe ngẫm nghĩ và thấm thía lời nhắc nhở của bậc huynh trưởng và nhận ra rất nhiều điều mà trước đó không thấy gì!
Bây giờ có mạng xã hội, báo giấy ít người đọc, tôi vẫn viết. Nó thành cái nghiệp vận vào mình. Tôi vẫn viết về làng quê, những câu chuyện đầu làng cuối xóm, những giá trị nhân văn vẫn ẩn chứa trong dân gian, mà vì nó mà xã hội con người còn bình yên, thân ái. Phải chọn lọc, đãi ra những thỏi vàng giá trị cho mọi người cùng thấy và hướng theo những điều tốt đẹp.
Tôi vẫn nhủ lòng mình, nghiệp viết là việc làm phúc đức để lại những giá trị cho hậu thế, chứ không phải kiếm sống, làm giàu và luôn lấy đó làm tiêu chí khi cầm bút.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất