"Mưa đỏ" - tái hiện khúc tráng ca trên dòng Thạch Hãn

24/07/2025 06:55 GMT+7 | Giải trí

Chiều 23/7, tại Hà Nội, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã tổ chức buổi gặp mặt truyền thông, chính thức ra mắt dự án phim điện ảnh Mưa đỏ. Đây là một tác phẩm chiến tranh cách mạng được đầu tư quy mô lớn, hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Xem chuyên đề 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 TẠI ĐÂY

1. Lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, Mưa đỏ (do nhà văn Chu Lai viết kịch bản), là khúc tráng ca bằng hình ảnh, khắc họa sâu sắc tinh thần yêu nước, lòng quả cảm và sự hy sinh cao cả của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chia sẻ về dự án này, đạo diễn, NSƯT, Thượng tá Đặng Thái Huyền nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng và vinh dự đối với toàn bộ ê-kíp làm phim.

"Mưa đỏ" - tái hiện khúc tráng ca trên dòng Thạch Hãn - Ảnh 1.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền (thứ tư từ phải sang, hàng trên) cùng các nghệ sĩ trong phim "Mưa đỏ"

"Mưa đỏ" - tái hiện khúc tráng ca trên dòng Thạch Hãn - Ảnh 1.

Nữ đạo diễn cũng bày tỏ cảm xúc đặc biệt với kịch bản của nhà văn Chu Lai: "Khi đọc kịch bản này, tôi đã không kìm được nước mắt. Tôi nhận thấy đây không chỉ là một câu chuyện lịch sử khô khan, mà còn là lời nhắc nhở mạnh mẽ về tinh thần hy sinh, chiến đấu và cống hiến của cha ông để đất nước có được hòa bình".

Theo chia sẻ của ê-kíp làm phim, việc thực hiện một bộ phim chiến tranh quy mô lớn như Mưa đỏ là một thách thức lớn khi phim quy tụ nhiều quân binh chủng, sử dụng đa dạng vũ khí, khí tài. Đặc biệt, bối cảnh chính tại di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn thường xuyên gặp điều kiện thời tiết khắc nghiệt với mưa triền miên và giá lạnh, càng làm tăng thêm khó khăn.

"Mưa đỏ" - tái hiện khúc tráng ca trên dòng Thạch Hãn - Ảnh 2.

Một cảnh trong phim “Mưa đỏ”

Tổng điều hành sản xuất Nguyễn Trí Viễn tiết lộ: "Việc chọn bối cảnh chính trên sông Thạch Hãn vào các tháng 8, 9, 10 từng gặp những dự báo trước về nguy cơ lũ lụt. Trong thời gian quay phim, Quảng Trị mưa liên miên. Do vậy, trước những khó khăn vượt quá sức người, ê-kíp đã quyết định "thuận theo tự nhiên" để hoàn thành đúng tiến độ".

Cũng theo nhà sản xuất này, áp lực trong việc xây dựng lại mô hình Thành cổ với tỷ lệ chuẩn xác trong thời gian ngắn để kịp bấm máy là rất lớn. Bên cạnh đó, thời gian quay được rút ngắn từ 13 tuần xuống còn 8 tuần (48 ngày quay chính thức, cộng thêm một ngày tại TP.HCM) khiến toàn bộ ê-kíp đã phải làm việc với sự tập trung và nỗ lực phi thường.

Thượng tá Kiều Thanh Thúy, Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân kiêm Giám đốc sản xuất phim, tiết lộ thêm về áp lực khi thực hiện một kịch bản điện ảnh được nhà văn Chu Lai chấp bút từ năm 2010 (gần sáu năm trước khi tiểu thuyết Mưa đỏ ra đời vào năm 2016). "Chúng tôi phải tôn trọng kịch bản gốc đã được thông qua, nhưng cũng không thể chỉ làm một bản phim minh họa. Ê-kíp buộc phải tìm tòi những cảm quan nghệ thuật và những điểm mới để đưa vào phim, đảm bảo tính chân thực của lịch sử, đồng thời giữ được tính điện ảnh, chính luận và cảm xúc nhân văn" - Thượng tá Thanh Thúy cho biết.

Phim Mưa đỏ dự kiến sẽ ra rạp vào ngày 22/8 tới.

Chị nói thêm: "Sự đồng hành, chia sẻ từ nhà văn Chu Lai và các cựu chiến binh tại Thành cổ Quảng Trị đã cung cấp rất nhiều tư liệu quý báu, giúp chúng tôi hoàn thiện bộ phim".

Như lời kể, việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vũ khí, khí tài và vật liệu nổ cũng là ưu tiên hàng đầu. "Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan trong Bộ Quốc phòng, từ khâu lên danh mục, phê duyệt kế hoạch, đến thiết lập ban chỉ đạo và tổ bảo đảm khí tài. Mọi quy trình đều được thực hiện bài bản và nghiêm ngặt" - Thượng tá Thanh Thúy chia sẻ.

Trailer phim "Mưa đỏ":

2 . "Mưa đỏ là một bộ phim chiến tranh hiện thực với nhiều cảnh bom đạn khốc liệt" - đạo diễn NSƯT Đặng Thái Huyền nói - "Tuy nhiên, điều khiến khán giả ấn tượng nhất khi xem phim sẽ không chỉ là những cảnh chiến tranh tàn khốc, mà còn là tình đồng chí, tình đồng đội và khát vọng sống mãnh liệt của những người lính".

Được biết, để các diễn viên nhập vai chân thực, ê-kíp đã đầu tư thời gian đáng kể cho công tác chuẩn bị. Các diễn viên được tập luyện, diễn thử, huấn luyện quân sự và võ thuật trong nhiều tháng. Đặc biệt, họ có khoảng 15 ngày trải nghiệm thực tế tại chính bối cảnh Thành cổ Quảng Trị trước khi bấm máy, để vừa hiểu rõ bối cảnh lịch sử, vừa tạo ra những cảm xúc chân thật.

"Mưa đỏ" - tái hiện khúc tráng ca trên dòng Thạch Hãn - Ảnh 6.

Poster phim “Mưa đỏ”

Khi hỏi về sự so sánh với Mùi cỏ cháy - một bộ phim cùng đề tài - đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng: "Mỗi câu chuyện sẽ được kể theo một cách riêng, mang đến những cảm xúc khác nhau. Thật khó để so sánh các tác phẩm này. Nhưng những câu chuyện lịch sử như vậy sẽ mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim, không chỉ hiện tại mà còn cả tương lai".

Đạo diễn cũng chia sẻ kỳ vọng vào tương lai của dòng phim chiến tranh cách mạng: "Tôi tin rằng trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều đạo diễn mong muốn thực hiện những tác phẩm như vậy. Điều này giống như một hệ sinh thái phim chiến tranh, góp phần lan tỏa tình yêu đất nước, sự hiểu biết sâu sắc hơn về các giá trị lịch sử và từ đó giúp khán giả, đặc biệt là giới trẻ, thêm trân trọng giá trị hòa bình".

Lan Hương. Ảnh: ĐPCC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm