Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

05/05/2025 15:01 GMT+7 | Tin tức 24h

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 5/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tổ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đảm bảo đúng quy định của pháp luật, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân

Phát biểu tại thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, Quốc hội lần này họp rất nhiều nội dung quan trọng, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Tổng Bí thư đánh giá, các cơ quan đã chuẩn bị hết sức chu đáo.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện chúng ta cùng một lúc phải làm rất nhiều việc, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhưng vẫn phải đảm bảo các công việc thường xuyên, đảm bảo tăng trưởng kinh tế - xã hội. Chính phủ đã họp đánh giá tình hình 4 tháng đầu năm 2025 và có những chỉ tiêu rất mừng, thu ngân sách, phát triển sản xuất kinh doanh tương đối tốt.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đảm bảo đúng quy định, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Tổng Bí thư ghi nhận: "Chỉ 4 tháng thôi đã gần đạt được 50% kế hoạch cả năm, đây là sự nỗ lực phấn đấu rất lớn trong bối cảnh chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức"; đồng thời khẳng định, phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất lớn, đất nước muốn phát triển thì phải tập trung giải quyết yêu cầu đó để có nguồn lực cho đầu tư phát triển, cùng với yêu cầu phát triển về văn hoá, giáo dục, y tế...

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc tiếp tục cải thiện đời sống của nhân dân. Đất nước phát triển thì người dân phải được thụ hưởng những thành quả đó, tạo tiền đề cho sự phát triển giai đoạn sau. Hoàn thành được chỉ tiêu nhiệm kỳ Đại hội XIII là tiền đề rất tốt để chúng ta đặt ra kế hoạch cho Đại hội XIV.

Tổng Bí thư cũng lưu ý việc triển khai 2 nghị quyết rất quan trọng của Bộ Chính trị là Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Tại thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc sửa đổi Hiến pháp lần này được Bộ Chính trị bàn rất kỹ, chỉ tập trung sửa đổi để phục vụ cho việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã sửa đổi 4 luật: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kỳ họp đã ban hành 11 Nghị quyết, trong đó có 4 Nghị quyết liên quan đến công tác tổ chức, tinh gọn bộ máy của các ban đảng, của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương.

Tới đây, trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Liên quan đến sáp nhập tỉnh, dự kiến, ngày 16/5 Chính phủ sẽ có tờ trình, ngày 17/5 Quốc hội sẽ thảo luận, ngày 24/6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua. Bên cạnh đó bàn về các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; về chính quyền địa phương 2 cấp, để chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đảm bảo đúng quy định, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Với việc sửa đổi, bổ sung Chương IX của Hiến pháp về chính quyền địa phương, tới đây, chính quyền địa phương sẽ được tổ chức thành 2 cấp gồm: cấp tỉnh và cấp xã. Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trước ngày 30/6 để có hiệu lực ngày 1/7/2025.

Sau đó, sẽ có khoảng 1,5 tháng là thời gian chuyển tiếp để hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng, một số quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Nhiều mô hình tổ chức mới đã được thí điểm và triển khai trên thực tế nhưng lại chưa có cơ sở hiến định vững chắc, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện.

Theo đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự chủ động của Quốc hội trước những thay đổi lớn trong tổ chức bộ máy nhà nước và yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách thể chế.

Về thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị giao rõ đầu mối chịu trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp bởi đây là giai đoạn quyết định chất lượng, tính đồng thuận của các nội dung sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, cần có quy định về việc báo cáo định kỳ về tiến độ để Quốc hội có thể giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu tin tưởng với tinh thần trách nhiệm cao và sự đồng thuận, khoa học trong tổ chức, Quốc hội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ sửa đổi Hiến pháp lần này, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho bộ máy nhà nước hoạt động hiệu năng, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Xuân Tùng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm