30/04/2025 13:02 GMT+7 | Văn hoá
"Cùng tôi viết tiếp câu chuyện hoà bình/ Nhìn quê hương sáng tươi trong bình minh/ Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ Quốc kỳ tung bay phấp phới..." - lời ca khúc hơn 2 tỷ lượt nghe trên mạng xã hội như một minh chứng cho sự lan toả tinh thần yêu nước, niềm tự hào "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".
Sáng 30/4, Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác - rực rỡ cờ hoa mừng Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – một cột mốc lịch sử không chỉ mang ý nghĩa chính trị, mà còn là biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước, sự hy sinh và khát vọng hòa bình của cả dân tộc. Trong giây phút thiêng liêng và tự hào, cần khẳng định: Không có chỗ cho những tiếng nói chia rẽ trong lòng dân tộc Việt Nam.
Biên đội trực thăng mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay trên bầu trời trung tâm Thành phố Hồ chí Minh. Ảnh: TTXVN phát
Tình yêu nước là giá trị thiêng liêng, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Dù trải qua bao thăng trầm lịch sử, lòng yêu nước của người Việt vẫn luôn rực cháy, thể hiện qua tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và sự hy sinh cao cả để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
Tình yêu ấy trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay càng cần được thể hiện bằng trách nhiệm trong lời nói, hành động, hình ảnh và thông tin chia sẻ.
Xe mô hình biểu tượng 50 năm Giải phóng miền Nam diễu qua Lễ đài Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN
Nữ ca sĩ Hoà Minzy lên mạng xã hội kêu gọi người dân khi tham dự "concert quốc gia" thì hãy cùng chung tay "không xả rác" đã được cộng đồng chia sẻ và hưởng ứng mạnh mẽ. Tối 29/4, trên nhiều tuyến phố ở TP. HCM, người dân tập trung về rất đông với áo đỏ sao vàng và cờ hoa mừng đón Đại lễ. Nhiều người mang theo đồ ăn, thức uống và những vật dụng cần thiết để có thể "xuyên đêm" đón mừng Đại lễ của đất nước vào ngày hôm sau. Tất cả đều chung một tình yêu Tổ quốc, chung niềm tự hào dân tộc, niềm phấn khởi trong bầu không khí hòa bình, chung tâm trạng háo hức đón mừng ngày lễ lớn của dân tộc.
Xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh diễu qua Lễ đài. Ảnh: TTXVN
Nguyễn Văn Chung từ một nhạc sĩ hầu như chỉ viết về gia đình, thiếu nhi... thì đã cất lên những khúc ca về tình yêu nước. Không giấu được niềm tự hào khi "Viết tiếp câu chuyện hoà bình" của anh do ca sĩ Duyên Quỳnh thể hiện đã viral khắp mạng xã hội, anh chia sẻ: "Tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. Niềm vui này to lớn hơn niềm vui khi có một bài hit, bởi vì ca khúc này đã vượt qua phạm vi của một bài hit mà nó đã được sự công nhận và yêu mến của rất nhiều khán giả ở các độ tuổi khác nhau, các ngành nghề khác nhau, các lĩnh vực khác nhau, các cán bộ, anh em chiến sĩ... là những người cùng chảy chung dòng máu Việt Nam, cùng rộn ràng tình yêu đất nước. Tôi hạnh phúc khi được đóng góp một tác phẩm ý nghĩa như vậy cho mọi người, nhất là cho giới trẻ."
Những người trẻ hôm nay luôn biết ơn những hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước. Ảnh: Ban Tuyên giáo TƯ Đoàn
Trên mạng xã hội facebook, từ khoá: #hoabinhdeplam cũng được người trẻ khắp mọi miền Tổ quốc chia sẻ với những thông điệp mang ý nghĩa tích cực. Thế hệ trẻ hôm nay đã thấm thía: Sự thống nhất đất nước là kết quả của máu xương, là bài học lịch sử không được phép quên. Nhưng đó cũng là nền tảng để hướng tới tương lai – nơi mọi người Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, đều có chung một khát vọng hòa bình, phát triển và thịnh vượng.
Khí thế những ngày kỷ niệm Đại lễ tiếp thêm sức mạnh cho những người trẻ hướng tới tương lai. Ảnh: Ban Tuyên giáo TƯ Đoàn
Trong bài viết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ: "Những năm qua, trong các chuyến công tác tới hầu khắp các châu lục, tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ hàng ngàn đồng bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài – từ những trí thức trẻ lập nghiệp tại châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Đại Dương đến những doanh nhân thành đạt, nghệ sĩ nổi tiếng, người lao động bình dị ở các "miền đất mới", kể cả nhiều người thuộc "phía bên kia" trước đây. Mỗi cuộc gặp đều để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc: dù có thể khác biệt về quan điểm chính trị, trải nghiệm lịch sử hay điều kiện sống, họ đều mang trong lòng niềm tự hào dân tộc, đều là "con dân đất Việt" và nỗi nhớ da diết với hai tiếng Quê hương".
Hai tiếng "Quê hương" thiêng liêng biết mấy!
Người dân Hà Nội háo hức check-in với cờ Tổ quốc tại trụ sở Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Khánh Hoà - TTXVN
Đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước không chỉ là dịp để tri ân quá khứ, mà còn là lời nhắc nhở mỗi người về tinh thần giữ gìn đoàn kết dân tộc, lan toả ngọn lửa của tình yêu nước. Không có lý do của sự chia rẽ. Chúng ta ai cũng có Tổ quốc – nơi mỗi người con đất Việt cùng hướng về bằng tất cả tình yêu và niềm tin, để tương lai cùng chung tay gìn giữ và phát triển đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất