15/07/2025 06:47 GMT+7 | Văn hoá
Tôi không bao giờ quên những năm tháng bao cấp, lớn lên trên chiếc xe đạp gióng ngang của bố. Những năm 1980 ấy, Hà Nội là thủ đô của xe đạp.
1. Khi đó, hiếm lắm mới thấy một chiếc xe máy đi qua và mùi xăng là một thứ gì đó thực sự xa xỉ. Còn chính thứ trở nên xa xỉ trên những con đường thành phố bây giờ là không khí trong lành thì khi đó lại rất nhiều. Không ai phải đeo khẩu trang.
Hình ảnh của những chiếc xe đạp dựng thẳng hàng trước các cửa hàng mậu dịch, những dòng người đạp xe trên đường lúc tan tầm hoặc sáng sớm đi làm vẫn in đậm trong trí óc tôi đến tận bây giờ. Nhiều năm sau, trong những chuyến đi thế giới, đã có lần tôi nao nao nhớ hình ảnh của 40 năm trước ấy của Hà Nội khi thấy một bãi xe đạp rộng lớn ở nhà ga Copenhagen, Đan Mạch. Nhớ những lần thủng lốp, bố phải dắt xe và tôi lẽo đẽo đi bộ ở đằng sau, tay bám lấy cái đèo hàng. Nhớ những cơn mưa bố trùm một tấm nylon lên cái ghế tôi ngồi ở gióng ngang, nước chảy loang loáng dưới ánh đèn đường, không biết là bố bị ướt. Nhớ những sáng mồng Một Tết còn đượm hơi sương, bố chở tôi đi xông nhà các bác.
Hình ảnh xe đạp trên đường phố Hà Nội thời bao cấp. Ảnh Tư liệu
2. Những chiếc xe đạp dần biến mất và được thay thế bởi xe máy trong những năm tháng đầu 1990. Xe máy đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của người dân thị thành, thậm chí vì cái sự tiện, nhanh của nó mà người đi xe trở nên tuỳ tiện, cẩu thả, dừng đỗ lung tung, có bao nhiêu gương thì bẻ hết vì sợ va đụng ngã ra đường. Xe máy, với số lượng chỉ tăng chứ không giảm, ban đầu là một biểu tượng cho sự giàu lên và đổi đời của nhiều người, đã không chỉ làm ô nhiễm môi trường, mà còn làm thay đổi cả tâm tính của những người đã sử dụng nó, khiến giao thông đô thị trở nên hỗn loạn.
Hà Nội đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để dần loại bỏ xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch khỏi cuộc sống của mình. Có những cuộc toạ đàm được tổ chức, trong đó có những chuyên gia khẳng định cần có những lộ trình rõ ràng cho việc cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch cũng như hạn chế nhà ống. Đã có cả những dự án và kế hoạch cho việc trên. Nhưng tất cả những điều đó đã không thể thực hiện được, trong khi Hà Nội ngày càng đông thêm, các đô thị ngày càng phình to và giao thông công cộng không chỉ phát triển chậm, mà còn thiếu đồng bộ, chưa trở thành lựa chọn số 1 cho việc đi lại. Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành liên quan đến việc cấm xe máy trên thực tế là quyết định mới nhất về vấn đề này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dành thời gian cùng đạp xe dạo phố để cảm nhận mùa thu Hà Nội khi Thủ tướng Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam. Ảnh tư liệu: VGP/Nhật Bắc
3. Có một tư duy được rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, trong các quán nước, các phòng họp, các quán cafe ở Hà Nội mấy hôm nay là việc cấm xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong vành đai 1 của Hà Nội, đồng nghĩa với việc phải thay thế chiếc xe họ đang sở hữu ấy bằng xe máy điện. Họ quên mất một phương tiện thật giản dị đã từng đồng hành với cha mẹ họ những năm đã xa: Xe đạp.
Đương nhiên, không phải tất cả đều không dùng xe điện để chỉ đi xe đạp. Với mỗi người, mỗi gia đình và tính chất công việc, họ sẽ chọn phương tiện phù hợp và tiện lợi nhất. Nhưng sự xuất hiện trở lại ngày càng nhiều trên các con phố của xe đạp những năm gần đây-dù là xe thuê theo dạng trả tiền qua App, thuê để đạp quanh Hồ Tây, hay xe cá nhân để tập thể thao, cho thấy người Hà Nội đã bắt đầu coi xe đạp như một phương tiện sạch, xanh và có thể sử dụng để thư giãn và sống chậm. Đã có những tuyến đường riêng thí điểm cho xe đạp như ở bên sông Tô Lịch và được người đạp xe hưởng ứng. Đã có những nhóm đạp xe ở các khu chung cư, khu phố. Đã có những chuyến đạp xe từ Hà Nội xuyên Việt. Và không thiếu những người đạp xe hàng ngày trên phố Hà Nội. Một khi thành phố trở nên thân thiện hơn với xe đạp, xuất hiện nhiều hơn các tiện ích cho nó, việc đi lại bằng xe đạp giống như ngày xưa bố mẹ, ông bà họ đã từng làm trong những năm bao cấp sẽ trở nên phổ biến.
Và nếu xét về tính kinh tế so với xe điện và các tiện ích đi kèm, đương nhiên đạp xe rẻ hơn và cũng khoẻ hơn, thư giãn hơn.
Hình ảnh thân thiện khi Hà Nội thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị. Ảnh VNG
4. Việc cấm xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong vành đai 1, rồi từ đó mở rộng ra các vành đai khác của nội đô chính là một cuộc cách mạng thực sự không chỉ trong cách đi lại của người Hà Nội mà còn là một sự điều chỉnh mạnh mẽ về phong cách sống. Các đô thị hiện đại trên thế giới đều là những đô thị thân thiện với môi trường, không chỉ dừng lại ở việc hạn chế hoặc cấm xe động cơ đốt trong mà ở chỗ tạo sự tiện lợi cho các phương tiện xanh và các hình thức giao thông công cộng.
Rất có thể, đến một lúc nào đó, gần thôi, do bị thúc đẩy bởi quy định này, cái nhìn của đa số công chúng về xe đạp cũng như quan niệm của người làm công tác đô thị về loại hình giao thông này cũng sẽ thay đổi, nhưng trước hết, chính những người thường xuyên đi xe đạp hiện tại cũng nên tính toán việc sử dụng phương tiện này nhiều hơn, không chỉ để đi chơi, dạo mát hoặc tập thể thao. Như thế, tính lan toả của xe đạp mới lớn.
Và cũng đừng quên một điều quan trọng, một khi đã tạo ra một cuộc cách mạng về đi lại, hãy trả lại vỉa hè cho người đi bộ...
Xem thêm tin tức TẠI ĐÂY
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất