Giá vàng miếng SJC giảm sau khi tăng liên tiếp từ đầu tuần

04/07/2025 14:15 GMT+7 | Bạn cần biết

Tiếp tục cập nhật...

Giá vàng miếng SJC giảm

Giá vàng miếng SJC giảm 400.000 đồng xuống giao dịch dưới mức 121 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 14 triệu đồng/lượng.

Tại thời điểm 12 giờ 30 phút ngày 4/7, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 118,9-120,9 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng so chốt phiên hôm trước. Chênh lệch mua - bán 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào 114,3 triệu đồng/lượng, bán ra 116,8 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng so kết phiên trước đó.

Giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và TP HCM mua vào ở mức 118,9 triệu đồng/lượng và bán ra 120,9 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng so chốt phiên hôm qua. Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 115,5-117,5 triệu đồng/lượng.

Vàng PNJ hiện mua vào ở mức 114,8 triệu đồng/lượng và bán ra mức 117,4 triệu đồng/lượng, đứng yên so kết phiên trước đó.

Giá vàng miếng SJC giảm sau khi tăng liên tiếp từ đầu tuần - Ảnh 1.

Giá vàng thế giới giảm sau báo cáo việc làm vượt kỳ vọng của Mỹ

Trên thị trường vàng thế giới, giá kim loại quý này đã giảm mạnh 1% trong phiên giao dịch ngày 3/7, sau khi báo cáo việc làm của Mỹ lạc quan hơn dự kiến đã củng cố đồn đoán rằng Fed sẽ không sớm cắt giảm lãi suất, qua đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Khoảng 1h ngày 4/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 3.328,63 USD/ounce, sau khi có thời điểm giảm hơn 1% trong phiên. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 0,4% lên 3.342,9 USD/ounce.

Báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng thêm 147.000 việc làm trong tháng 6, cao hơn đáng kể so với con số 110.000 mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo. Dữ liệu tích cực này đã đẩy chỉ số đồng USD và chứng khoán Mỹ tăng giá. Đồng USD mạnh hơn thường khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Ông David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định số liệu việc làm tốt hơn dự kiến đồng nghĩa với việc khả năng Fed cắt giảm lãi suất sớm hơn dự đoán hiện tại là thấp hơn. Kết quả là đồng USD mạnh lên, gây thêm áp lực cho thị trường vàng. Theo ông, khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 7 gần như không còn.

Hiện các nhà đầu tư dự báo Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất tổng cộng 51 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm, bắt đầu từ tháng 10/2025, giảm so với mức kỳ vọng 66 điểm cơ bản trước khi báo cáo được công bố.

Vàng - một tài sản không sinh lời, thường hoạt động tốt trong môi trường lãi suất thấp. Tại Quốc hội Mỹ, đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã thông qua dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu khổng lồ của Tổng thống Donald Trump, dự luật được dự báo có thể làm tăng thêm khoảng 3.400 tỷ USD nợ công.

Ông Carsten Menke, một nhà phân tích tại Julius Baer, cho rằng khi nợ công của Mỹ tiếp tục gia tăng, các nhà đầu tư có thể trở nên lo ngại hơn về đồng USD, điều này sẽ có lợi cho vàng trong dài hạn.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,7% lên 36,84 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 3,1% xuống 1.374,89 USD/ounce và giá palladium giảm 1,5% xuống 1.137,69 USD/ounce.

Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới

Thị trường chứng khoán Phố Wall kết thúc phiên giao dịch ngày 3/7 ở mức cao kỷ lục sau khi Mỹ công bố dữ liệu việc làm khả quan, đồng thời dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu quy mô lớn của Tổng thống Donald Trump được lưỡng viện Quốc hội nước này thông qua.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 0,8% lên 44.823,53 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 6.279,35 điểm, còn chỉ số Nasdaq tăng 1,0% lên 20.601,10 điểm. Theo chuyên gia Peter Cardillo của công ty Spartan Capital Securities, thị trường đang chứng kiến đợt tăng điểm tích cực nhờ dữ liệu việc làm vượt kỳ vọng, dù phần lớn việc làm mới thuộc khu vực công.

Thị trường cũng theo sát diễn biến dự luật quy mô lớn của ông Trump, gồm gia hạn giảm thuế nhưng đồng thời cắt giảm nhiều chương trình xã hội gây tranh cãi và dự kiến làm tăng thâm hụt ngân sách Mỹ. Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật ngay sau khi thị trường chứng khoán đóng cửa, giúp ông Trump giành thắng lợi lập pháp quan trọng.

Nhà phân tích Fawad Razaqzada từ City Index và FOREX.com cho rằng dữ liệu việc làm tháng 6 khả quan khiến khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong tháng 7 này không còn được xem xét. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán và cho thấy nền kinh tế đang ở trạng thái tốt.

Diễn biến giá dầu thế giới

Trong khi đó, giá dầu thế giới đã giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 3/7, khi giới đầu tư lo ngại rằng các chính sách thuế quan của Mỹ có thể làm giảm nhu cầu năng lượng, cùng lúc các nhà sản xuất dầu thô lớn dự kiến tăng cường nguồn cung.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 31 xu (0,45%) xuống 68,8 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 45 xu (0,67%) xuống 67 USD/thùng trong một phiên giao dịch tương đối trầm lắng trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ.

Áp lực chính lên thị trường đến từ chính sách thương mại của Mỹ. Thời hạn tạm dừng áp thuế quan cao hơn của Tổng thống Donald Trump sẽ kết thúc vào ngày 9/7, trong khi một số đối tác thương mại lớn như Liên minh châu Âu và Nhật Bản vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Các nhà giao dịch dầu mỏ lo ngại tác động tiêu cực của chính sách này đối với nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu. Mặc dù thông tin về thỏa thuận thương mại sơ bộ giữa Mỹ và Việt Nam đã hỗ trợ giá dầu trong phiên trước đó, nhưng sự bất ổn chung về thuế quan vẫn là một mối lo lớn.

Một yếu tố khác cũng tác động đến thị trường là Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) dự kiến nhất trí tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày tại cuộc họp chính sách vào cuối tuần này.

Kết quả khảo sát từ khu vực tư nhân cho thấy hoạt động dịch vụ tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã tăng với tốc độ chậm nhất trong 9 tháng vào tháng 6/2025, do nhu cầu suy yếu và các đơn hàng xuất khẩu mới sụt giảm. Tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy dự trữ dầu trong nước bất ngờ tăng 3,8 triệu thùng lên 419 triệu thùng trong tuần trước. Con số này trái ngược hoàn toàn với dự báo của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters là sẽ giảm 1,8 triệu thùng.

Báo cáo từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho thấy các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã cắt giảm 7 giàn khoan dầu, đưa tổng số giàn khoan đang hoạt động xuống còn 425 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Số lượng giàn khoan là một chỉ báo cho sản lượng trong tương lai.

XEM THÊM TIN TỨC TẠI ĐÂY

Thảo Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm