Giá trị đặc biệt của Vườn Chuối, di chỉ vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố

04/07/2025 09:58 GMT+7 | Multimedia

Sau hơn 50 năm phát hiện, với 11 lần được các nhà khảo cổ khai quật, đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu quan trọng trong 20 năm, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng là di tích cấp thành phố. Trước đó, giới khoa học đã khẳng định giá trị đặc biệt quý hiếm của di chỉ khảo cổ này.

Giá trị đặc biệt của Vườn Chuối, di chỉ vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố

Địa tầng di chỉ Vườn Chuối tồn tại nhiều lớp văn hóa cách đây 4.000 năm

Theo các nhà khảo cổ, một trong những kết quả quan trọng tại Di chỉ Vườn Chuối tại xã Kim Chung, Hoài Đức (Hà Nội) là phát hiện mặt bằng khu cư trú thời tiền Đông Sơn. Phát hiện này giúp chúng ta phần nào hình dung ra được cuộc sống xã hội của tổ tiên chúng ta cách đây hàng nghìn năm.

Hiện tại, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 70 mộ táng tiền Đông Sơn và 40 mộ táng Đông Sơn. Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau vẫn còn được bảo tồn khá tốt, hứa hẹn sẽ đưa đến những hiểu biết sâu hơn khi triển khai nghiên cứu về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng... của người Việt cổ trong thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam.

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Giảng viên ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội: Lần đầu tiên mà chúng ta cũng đã tìm thấy những cái di cốt của con người suốt từ thời Phùng Nguyên muộn cho đến thời Đông Sơn muộn và chúng ta nếu mà áp dụng được các công nghệ mới trong cái việc mà chúng ta phân tích để chúng ta có thể tìm được. Ví dụ như là về nguồn gốc của người Việt mình hiện nay vì chúng ta đang xây dựng các bản đồ gen và chúng ta nếu có bản đồ gen cổ, và bản đồ hiện đại chúng ta có sự so sánh cái đấy là cái thứ nhất. Thứ hai, câu chuyện là chế độ dinh dưỡng. Chúng ta nói nhiều về trồng lúa nước, ở đây cũng có dấu tích trồng lúa nước, chăn nuôi rồi vân vân nhưng mà nếu chúng ta có thêm những cái phân tích về xương người cổ, về thành phần dinh dưỡng, ở đây chúng ta khẳng định được là từ thời Đồng Đậu sang đến thời Gò Mun, sang đến thời Đông Sơn thì việc chuyển biến của cái thức ăn được trồng trọt có tăng lên hay không?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Rõ ràng với kết quả như thế này, có thể khẳng định một cách tuyệt đối, đây là di chỉ tiêu biểu bậc nhất của nền văn minh sông Hồng, cơ sở quan trọng nhất hình thành nên người Việt cổ và Nhà nước đầu tiên của Việt Nam.  

Kết quả thu được qua đợt khai quật từ năm 2024 đến nay đã bổ sung tư liệu khẳng định Vườn Chuối là một ngôi làng đã được con người thời đại Kim khí khai phá, làm chủ một cách lâu dài, phát triển liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến Đông Sơn và hậu Đông Sơn - cách đây từ 4.000 đến 2.000 năm. Những kết quả khai quật - nghiên cứu đã góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ hiện vật về sự có mặt của con người từ rất sớm trên khu vực Hà Nội ngày nay. Hơn nữa còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử các nhóm người dân tộc Việt từ thời tiền sơ sử, chứng minh rõ dần thời đại "Hùng Vương dựng nước" bằng các chứng cứ khảo cổ học.

TS. Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học Việt Nam: Sau đây sẽ còn một số công việc chúng ta phải làm. Thứ nhất, công tác chỉnh lý, chúng tôi sẽ đưa các di tích di vật về bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội theo quy định. Và sẽ triển khai các nghiên cứu chuyên môn tiếp theo. Nghiên cứu các vấn đề về nhân chủng, các công trình kiến trúc cổ, các làng cổ, phân công lao động xã hội. Đó là phần chuyên môn.

TS. Phạm Quốc Quân, Nguyên GĐ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Công nhận di tích cấp thành phố làm pháp lý hóa, bảo tồn, bảo vệ, phát huy được di tích đó. Trên cơ sở công nhận, sẽ có sự đầu tư và quan tâm hơn nữa. Công viên Di sản bên cạnh di tích đó sẽ được sự quan tâm của địa phương.

Địa tầng di chỉ Vườn Chuối tồn tại nhiều lớp văn hóa trải qua các giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn và hậu Đông Sơn chứng minh giá trị lịch sử văn hóa quan trọng của di chỉ Vườn Chuối.

Việc Vườn Chuối được xếp hạng di tích thành phố có ý nghĩa rất lớn bởi từ nay, Vườn Chuối sẽ được bảo vệ bằng Luật Di sản văn hóa. Từ đó có thể tính đến tương lai phát huy giá trị của di tích đặc biệt quý hiếm này với sự chung tay của chính quyền, nhà khoa học, nhà đầu tư và cộng đồng có di tích../.   

Ngân Lượng - Mộng Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm