02/07/2025 07:33 GMT+7 | Tin tức 24h
Hòa chung không khí cả nước đồng loạt trang trọng tổ chức "Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu", phóng viên TTXVN tại Geneve ngày 1/7 đã có cuộc trao đổi với đại diện Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ - Việt Nam (SVEF) về thời khắc lịch sử này.
Bà Rachel Isenschmid - Thư ký SVEF, cho rằng việc điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp lại hệ thống địa phương là một bước đi đầy quyết đoán và cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mô hình phát triển bền vững, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao hơn.
Đây không đơn thuần là việc gộp tách địa phương, mà là chiến lược nhằm tái cấu trúc không gian phát triển để hình thành các vùng động lực mạnh, có khả năng hội nhập quốc tế tốt hơn và thu hút dòng vốn chất lượng cao. Việc 'sắp xếp lại giang sơn' có thể tạo ra những đơn vị hành chính-kinh tế có quy mô đủ lớn, giúp gia tăng sức cạnh tranh trong khu vực và giảm bớt phân tán nguồn lực", bà Isenschmid nhấn mạnh.
Cán bộ Trung tâm hành chính công phường Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng, hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN
Theo Thư ký SVEF, nỗ lực này đặc biệt quan trọng trong quá trình thu hút đầu tư quốc tế, bởi các nhà đầu tư thường quan tâm đến tầm nhìn dài hạn, sự ổn định trong quản trị, cũng như năng lực điều phối vùng. Khi các địa phương có được quy mô thị trường lớn hơn, gắn kết hơn và có chiến lược phát triển rõ ràng hơn, họ sẽ có cơ hội xây dựng được các mô hình hợp tác công-tư hiệu quả hơn, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Isenschmid nói: "SVEF tin rằng chiến lược này nếu được triển khai hiệu quả sẽ tạo điều kiện để các địa phương hình thành các hệ sinh thái phát triển đa ngành, nơi mà tài chính, công nghệ, du lịch, giáo dục và đổi mới sáng tạo có thể cộng hưởng với nhau. Chúng tôi cũng nhìn thấy tiềm năng của việc thiết lập các khu vực hợp tác xuyên biên giới giữa các tỉnh thành Việt Nam với các đối tác Thụy Sĩ và quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính xanh, sản xuất công nghệ cao, đào tạo nghề, và khởi nghiệp sáng tạo".
Thời gian qua, SVEF đã tổ chức nhiều sự kiện, với sự tham dự của các đoàn cấp cao từ Việt Nam, cũng như xúc tiến nhiều chương trình hợp tác nhằm cụ thể hóa quan hệ đối tác toàn diện giữa Thụy Sĩ và Việt Nam.
Sắp tới, SVEF sẽ tổ chức một sự kiện tại Đà Nẵng vào tháng 11. Chia sẻ về dự án này, đặc biệt là sau khi Đà Nẵng hợp nhất với tỉnh Quảng Nam, bà Isenschmid nói: "Việc Đà Nẵng hợp nhất Quảng Nam là một bước ngoặt mang tính chiến lược, không chỉ về mặt hành chính mà còn về phát triển kinh tế vùng. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy các trung tâm tài chính khu vực, sự hợp nhất này có thể tạo ra một không gian phát triển mới có quy mô đủ lớn, sở hữu đồng thời các yếu tố về vị trí, hạ tầng, con người và tầm nhìn phát triển. Về vị trí địa lý, Đà Nẵng và Quảng Nam nằm ở trung tâm hành lang kinh tế Đông-Tây, kết nối thuận tiện với các thị trường tiềm năng trong khu vực ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương. Đây là điều kiện tiên quyết để hình thành một trung tâm dịch vụ tài chính mang tính kết nối quốc tế".
Cũng theo Thư ký SVEF, việc khu vực này có sẵn hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mạnh như cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế và các khu công nghệ cao, khu công nghiệp lớn - vốn là những nền tảng quan trọng cho sự phát triển của hệ sinh thái tài chính-đầu tư và công nghệ tài chính (fintech). Đáng chú ý, Đà Nẵng lâu nay được xem là một trong những địa phương đi đầu về cải cách hành chính và minh bạch hóa quy trình đầu tư. Tính ổn định và nhất quán trong chính sách là một điểm cộng lớn đối với các nhà đầu tư tài chính, đặc biệt trong giai đoạn tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu như hiện nay.
Bà Isenschmid đánh giá: "Nếu Đà Nẵng có thể tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng khung pháp lý hỗ trợ đổi mới sáng tạo, thí điểm sandbox cho các mô hình tài chính số, kết hợp với chiến lược thu hút định chế tài chính quốc tế, thì tiềm năng phát triển thành trung tâm tài chính khu vực là điều có thể đạt được trong trung hạn. Ngoài ra, yếu tố con người và hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng. Sự hiện diện ngày càng lớn của các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức phát triển tại Đà Nẵng sẽ là nền tảng giúp hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và lĩnh vực học thuật".
"Với tất cả những yếu tố trên, tôi hy vọng có thể định vị Đà Nẵng-Quảng Nam như một trung tâm tài chính mới, đây sẽ không chỉ là khát vọng mà đang dần trở thành mục tiêu có cơ sở thực tiễn", Thư ký SVEF bày tỏ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất