Di sản của nhạc sĩ Hoàng Vân: Một hành trình âm nhạc song hành cùng đất nước

25/07/2025 07:25 GMT+7 | Văn hoá

Tối 24/7, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội, sau lễ trao bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho Sưu tập tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân, công chúng được thưởng thức chương trình hòa nhạc đặc biệt Cho muôn đời sau. Đó là một hành trình âm nhạc xuyên suốt di sản nghệ thuật của nhạc sĩ Hoàng Vân - người nhạc sĩ của lịch sử và của tâm hồn Việt Nam.

TS Lê Y Linh, tác giả kịch bản chương trình, cũng là con gái cả của nhạc sĩ Hoàng Vân cho biết, cái tên Cho muôn đời sau được lấy từ câu hát "Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau" trích trong tổ khúc Bài ca xây dựng của nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác vào năm 1973. Theo TS Lê Y Linh, câu hát này cũng vận vào tầm vóc âm nhạc và sự sống lâu bền của tác phẩm Hoàng Vân từ ký ức đến tương lai.

TS Lê Y Linh đã dành cho Thể thao và Văn hóa cuộc trò chuyện bên lề chương trình.

* Chào TS Lê Y Linh, xin chị chia sẻ cảm xúc khi nhận trách nhiệm viết kịch bản âm nhạc cho chương trình hòa nhạc lớn về nhạc sĩ Hoàng Vân - một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng lớn đến âm nhạc Việt Nam đương đại?

- Khi nhận được nhiệm vụ từ Nhà hát Hồ Gươm, đơn vị tổ chức biểu diễn, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và đồng thời cũng có chút lo lắng trước một trách nhiệm lớn lao đầy thử thách. Nhạc sĩ Hoàng Vân là người có chiều sâu tư tưởng và tinh thần âm nhạc tương đối đặc biệt, gắn bó sâu sắc với tâm thức dân tộc nhưng cũng có những tác phẩm then chốt trong âm nhạc Việt Nam. Viết kịch bản chương trình âm nhạc về ông không đơn thuần là sắp xếp các tác phẩm theo thứ tự, mà là kể lại một câu chuyện - một hành trình âm nhạc song hành cùng đất nước qua những giai đoạn cam go nhất đến thời kỳ đổi mới.

Việc được tiếp cận lại kho tàng tác phẩm của ông để chọn lọc và tái sắp xếp lại dưới dạng một câu chuyện âm nhạc xuyên suốt là một quá trình vừa xúc động vừa đầy trăn trở với tôi.

Di sản của nhạc sĩ Hoàng Vân: Một hành trình âm nhạc song hành cùng đất nước - Ảnh 1.

Tự họa của nhạc sĩ Hoàng Vân trên poster chương trình

* Nhạc sĩ Hoàng Vân để lại di sản đồ sộ với hơn 700 tác phẩm đủ mọi thể loại và hình thức, quá trình chọn lựa tác phẩm chắc hẳn khó khăn? Hơn nữa, khán giả Việt Nam quen thuộc với "Hò kéo pháo", "Quảng Bình quê ta ơi", "Bài ca người giáo viên nhân dân"…, chị mong muốn người nghe khám phá thêm những khía cạnh nào khác trong kho tàng âm nhạc Hoàng Vân?

- Khó khăn lớn nhất là phải chọn lọc trong một kho tàng đồ sộ trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị âm nhạc và nội dung. Nhiều bài hát gắn bó với ký ức cả một thế hệ, nhiều bản giao hưởng, hợp xướng có chiều sâu tư tưởng và phức tạp về hình thức.

Trong kho tác phẩm ấy có nhiều bản phối và phiên bản chưa từng được công bố rộng rãi, nên việc chọn ra những tác phẩm vừa đại diện vừa có khả năng kết nối cảm xúc với khán giả hôm nay là một quá trình đầy cân nhắc. Mục tiêu là tạo ra một dòng chảy âm nhạc mạch lạc, thể hiện rõ sự chuyển mình của đất nước và con người qua âm nhạc Hoàng Vân.

Khó khăn khác là phải giữ được tinh thần nguyên bản của các tác phẩm trong khi vẫn làm mới cách thể hiện để phù hợp với không gian sân khấu hiện đại và gu thưởng thức đa dạng của khán giả ngày nay. Ngoài ra, việc kết nối những tác phẩm thuộc nhiều thời kỳ khác nhau sao cho mạch lạc và có chiều sâu cũng là một thách thức.

Thử thách lớn nhất là thuyết phục ê-kíp, các cố vấn nghệ thuật, đặc biệt là em tôi, nhạc trưởng Lê Phi Phi, đồng ý với ý tưởng của mình để ê-kíp tìm được giải pháp nghệ thuật và kỹ thuật tối ưu, trong đó có việc phải giữ được tính nguyên bản - cả trong cảm xúc lẫn âm nhạc - mà vẫn đảm bảo cấu trúc biểu diễn phù hợp với sân khấu của Nhà hát Hồ Gươm rất hiện đại và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.

* Đêm hòa nhạc khiến khán giả xúc động, chị có cách xử lý nghệ thuật như thế nào để nổi bật tinh thần Hoàng Vân?

- Công chúng biết đến Hoàng Vân trước hết qua hàng trăm ca khúc nghệ thuật, ca khúc với những chủ đề đời thường nhất được hát và được yêu thích từ hơn nửa thế kỷ nay. Nhưng ông cũng là tác giả của Thành Đồng Tổ quốc, một trong những bản giao hưởng thơ đầu tiên của Việt Nam hoàn thành vào năm 1960, Điện Biên Phủ, tác phẩm 4 chương viết cho hợp xướng, lĩnh xướng và dàn nhạc giao hưởng mới được biểu diễn năm ngoái cũng tại Nhà hát Hồ Gươm, hay vở ballet Chị Sứ, tác phẩm được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, cho tới hai bản giao hưởng viết những năm cuối đời, cùng nhiều tác phẩm khí nhạc, nhạc phim, nhạc cho sân khấu, và nhiều thể loại khác.

Trong kho tàng ấy, trước hết, chúng tôi muốn làm nổi bật tinh thần Việt Nam trong âm nhạc ông qua lời thơ, dân ca, nhạc khí dân tộc. Nhưng điều đặc biệt là cảm xúc - cảm xúc rất con người, ngay cả trong những bài hát về chiến tranh cũng có chỗ cho nước mắt và nụ cười.

Di sản của nhạc sĩ Hoàng Vân: Một hành trình âm nhạc song hành cùng đất nước - Ảnh 2.

TS Lê Y Linh

Kịch bản được xây dựng theo hình thức liên hoàn, vừa có tính sử thi, vừa đan xen các câu chuyện nhỏ qua từng tác phẩm. Chúng tôi đặc biệt chú trọng vào các tác phẩm có sự phối hợp giữa các chất liệu dân gian truyền thống với âm nhạc giao hưởng hàn lâm, vốn là dấu ấn riêng của Hoàng Vân. Chất liệu văn hóa Việt Nam trong âm nhạc Hoàng Vân luôn ẩn hiện từ lời thơ đến âm hưởng dân ca các vùng miền như hò, lượn, dân ca Tây Nguyên...

Tôi cũng cố gắng để mỗi phần trong chương trình không chỉ độc lập mà còn đối thoại với nhau. Ví dụ, sự đối lập giữa một khúc Tâm tình người thủy thủ trữ tình lãng mạn với một Việt Nam muôn năm đầy hào khí; hay từ tình mẫu tử trong Hát ru trong đêm pháo hoa dẫn dắt đến Bài ca xây dựng đầy lạc quan, viết giữa những ngày sau Hiệp định Paris trước ngưỡng cửa hòa bình xây dựng lại đất nước, cách đây hơn nửa thế kỷ.

* Nếu có một tác phẩm đặc biệt nhất trong chương trình, chị sẽ chọn gì?

- Khó có thể chọn một, nhưng nếu buộc phải chọn thì có thể là Hát ru trong đêm pháo hoa viết năm 1975. Giai đoạn tráng ca, hùng ca trong sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân đã khép lại ở đầu những năm 1970 và ngày đất nước thống nhất chuyển sang hòa bình, ông đã cho ra đời một chùm hát ru, tựa một lời biết ơn sự hy sinh của những người mẹ trong chiến tranh. Hòa bình đã về, người mẹ đã có thể hát ru con trong đêm pháo hoa mà không còn lo các con phải lên đường ra trận. Lời ru cũng là một lời chúc phúc cho tương lai đất nước, để nối hai chương của chương trình.

* Chị mong muốn gì từ khán giả sau khi thưởng thức chương trình? Thông qua chương trình "Cho muôn đời sau", chị mong muốn thế hệ trẻ, công chúng hôm nay sẽ nhìn nhận âm nhạc Hoàng Vân như thế nào?

- Vì số lượng tác phẩm lựa chọn khá lớn, chúng tôi buộc phải làm hai chương trình có chút khác nhau. Tôi mong rằng khán giả, dù ở thế hệ nào, sẽ nhận ra một điều: âm nhạc Hoàng Vân, một tâm hồn nghệ sĩ sâu sắc đã dành cả đời trong một thời kỳ lịch sử của đất nước để viết cho con người, cho đất nước, không hề cũ. Ngược lại, nó mang theo tinh thần thời đại, nhịp sống của con người Việt Nam, từ chiến đấu đến xây dựng, từ hy sinh đến mộng mơ.

Nó còn nguyên vẹn giá trị - bởi đó là âm nhạc nói về con người, khát vọng sống, khát vọng yêu, khát vọng xây dựng và hy sinh. Cùng với các nhạc sĩ cùng thế hệ, đây là một dòng chảy âm nhạc mang đầy nội lực, vừa hùng tráng vừa thiết tha.

Chúng tôi mong chương trình này sẽ xứng đáng là món quà âm nhạc thật đẹp thay lời tri ân sâu sắc gửi đến khán giả yêu âm nhạc của ông trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tôi mong khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, cảm nhận được rằng âm nhạc của Hoàng Vân và các nhạc sĩ cùng thời với ông không chỉ là sản phẩm của một thời kỳ lịch sử, mà là di sản sống động, vẫn còn nguyên giá trị hôm nay. Ông viết về con người, đất nước, tình yêu, nghề nghiệp… bằng tất cả trái tim. Mỗi ca khúc là một chương ký ức tập thể, một lát cắt tinh tế của lịch sử. Ngoài những ký ức về thời kỳ chiến tranh và khó khăn, tôi muốn khán thính giả lưu lại vẻ đẹp của âm nhạc, khát vọng, nhân văn. Mong thế hệ mới tiếp cận di sản với con mắt cởi mở và trân trọng, hiểu biết và yêu thích hơn một giai đoạn là nền tảng của âm nhạc Việt Nam đương đại.

* Trân trọng cảm ơn chị!

Chương trình "Cho muôn đời sau" diễn ra vào hai đêm 24 và 25/7 tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Chỉ đạo nội dung: Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy. Kịch bản chương trình và Chỉ huy đêm nhạc do hai người con của nhạc sĩ Hoàng Vân: TS Lê Y Linh và Nhạc trưởng Lê Phi Phi đảm nhận.

Chương trình quy tụ hơn 200 nghệ sĩ, với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi, cùng nhiều thế hệ học trò và cộng sự của nhạc sĩ Hoàng Vân. Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia của nghệ sĩ violin Lydia Dobrevska từ Bắc Macedonia...

Ngân Lượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm