Chữ và nghĩa: Tìm từ qua từ trong câu đố

16/04/2025 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Câu đố là những "câu văn vần mô tả người, vật, hiện tượng... một cách lắt léo hoặc úp mở, dùng để đố nhau" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Ngay từ khi ngồi ghế trường phổ thông, chúng ta đã làm quen với câu đố. Đây là một thể loại văn học dân gian rất độc đáo.

Nói chung, đi vào "thế giới câu đố" ta sẽ thấy trăm hình vạn trạng kiểu loại. Thường các câu đố thiên về mô tả để người đọc hình dung rồi đoán (Ví dụ: "Vừa bằng lá tre, le the dưới nước" (con đỉa). "Vừa bằng thằng bé lên ba/ Thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng" (đóm mạ), "Da cóc mà bọc bột lọc/ Bột lọc lại bọc hòn than" (quả nhãn)...).

Trong bài này, tôi chỉ bàn riêng về các câu đố khá đặc biệt: Dùng chữ để tìm ra chữ.

Tìm từ qua từ, hoặc là tìm từ qua cách chơi chữ, đó là con đường tiếp cận để giải mã một số câu đố trong tiếng Việt.

Chữ và nghĩa: Tìm từ qua từ trong câu đố - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Internet

Chẳng hạn, đây là các câu đố trong sách giáo khoa tiểu học (cấp 1 ngày xưa): "Cái gì khác họ cùng tên/ Cái ở dưới nước, cái trên mái nhà". "Con cá mè" (cá nước ngọt cùng họ với cá chép) và "cái mè nhà" (thanh tre, gỗ nhỏ và dài, được đặt dọc trên mái nhà để đỡ và buộc tấm lợp bên trên) có chung một âm tiết "mè". Từ thành tố đồng âm này mà người đọc có căn cứ để giải.

Hoặc câu đố: "Trùng trục như con chó thui/ Chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu", thì "chín" không phải là từ "chỉ con số 9", mà là tính từ chỉ "[thức ăn] được nấu tới mức ăn được" (cơm nấu chín, khoai luộc chín, rau xào chín...). Từ suy luận này mà giải ra "con chó thui" (cái gì cũng chín).

Hoặc câu đố "Mồm bò không phải mồm bò mà lại mồm bò" thì "mồm bò" không phải là "mồm con bò" (động vật nhai lại, cùng họ với trâu, ăn cỏ, kéo cày), mà ám chỉ "con ốc (động vật thân mềm có vỏ cứng và xoắn, sống ở nước hoặc trên cạn) bò (di chuyển) bằng mồm". Một là danh từ, một là động từ, phải giỏi tưởng tượng mới hình dung ra sự "giống và khác" này...

Cái khó nhất với người giải đố là thực hiện một phép quy chiếu sao cho hợp lý để chỉ ra đúng sở chỉ (reference) của sự vật, không bị nhầm lẫn với sự vật khác, trước các thông tin "gây nhiễu". Cái mà người đố gây nhiễu chính là các từ dễ làm lạc hướng người giải.

Đây là một câu khá hóc búa: "Đi nằm, đứng nằm, ngồi nằm, nằm đứng". Cái vô lý là trong 4 cặp sự tình thì có 3 sự tình dùng động từ (đi, ngồi, đứng) có chung thành tố đứng sau (nằm). Đến cặp thứ 4 thì bản thân thành tố chung đó (nằm) lại là thành tố mở đầu sự tình khác (nằm đứng). Tại sao cả 3 động tác (đi, ngồi, đứng) ở trên lại có tư thế "nằm" còn động tác nằm lại chuyển sang "đứng"? Chỉ khi đọc lời giải (Bàn chân) thì ta mới vỡ ra: Hai bàn chân đều ở tư thế "nằm" (toàn bộ gan bàn chân úp xuống đất) khi người ta đi, hoặc ngồi, hoặc đứng. Còn khi người ta nằm, 2 bàn chân lại dựng lên (theo tư thế đứng) vuông góc với mặt phẳng người nằm...

Đưa kiểu đố này sang câu đố về "Con kiến": "Đi lên, đi xuống, đi dọc, đi ngang đều được". Đặc thù này chỉ kiến mới có. Câu đố (về Cái phản) lại tận dụng sự đồng âm trái nghĩa: "Ngả lưng cho thế gian ngồi/ Rồi ra mang tiếng con người bất trung".

Hoặc có những câu đố vừa phải đoán chữ vừa phải kết hợp suy luận. Đây là những câu đố có cấu trúc chung là "Không A mà B": "Không vê mà tròn" (quả bưởi), "Không uốn mà ngay" (cây cau), "Không bào mà nhẵn" (cây chuối), "Không vót mà nhọn" (cái gai), "Không bưng mà kín" (trứng gà), "Không học mà hay" (chim hót)... Bình thường, các sự vật muốn đạt một hình dạng theo yêu cầu (tròn, thẳng ngay, nhẵn, nhọn, kín, hay) thì phải được gia công bằng một dụng cụ nào đó (tay, bào, dao...), nhưng thiên nhiên đã tạo ra những sự vật rất quen thuộc nhưng lại "bất bình thường" bằng cách nói lạ hóa trong câu đố...

Cũng phải nói thêm một điều: Muốn giải được chính xác, câu đố phải được xét với tư cách của một văn bản hoàn chỉnh, bao gồm cả lời đố và lời giải. Bởi trong hoạt động đố - giải, người đọc phải dựa trên lời giải thì mới có căn cứ kết luận chính xác.

Chẳng hạn, câu đố về "cái giường":

"Tứ túc mà lưỡng hai đầu (bốn chân, có hai đầu: đầu giường, cuối giường)

Áo thì có mặc đằng sau bao giờ (chiếu phải trải phía trên)

Mẹ bảo, mẹ chỉ thương thằng thứ tư

Nó thì khó nhọc chẳng như tám thằng"

(Bốn chân giường chịu trọng lực, còn tám thang giường cũng chịu lực nhưng nhẹ hơn).

Và đây, câu đố về "Cái gai" lại có một diễn giải tưởng rất phi lý và mâu thuẫn, nhưng lại vô cùng thú vị khi nghe lời giải: "Ra đường gặp nó/ Bắt được nó thì đuổi nó đi/ Không bắt được nó thì mang nó về" (Ra đường giẫm phải gai, nếu nhổ (hoặc khêu) ra được thì vứt đi, còn không thì đành mang về nhà xử lý).

Tư duy theo lối dân gian

Nhìn ra từ ngữ muôn vàn điều hay.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm