14/07/2025 06:14 GMT+7 | Văn hoá
Một sự kiện lớn - và cũng là một tin vui lớn - trong tuần qua: Ngày 12/7, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.
Trải dài trên 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, với tổng diện tích gần 4.400 héc-ta (vùng lõi hơn 525 héc-ta), đây cũng là di sản thế giới thứ 9 của chúng ta được UNESCO công nhận, kể từ sau trường hợp đầu tiên (vịnh Hạ Long) năm 1994.
Nhìn lại, mỗi di sản thế giới mà Việt Nam đang sở hữu là một trường hợp riêng với những chuỗi giá trị rất riêng. Ở đó có di sản gắn với đô thị và thương cảng cũ như phố cổ Hội An, di sản gắn với kiến trúc kinh thành và dấu ấn quyền lực phong kiến như hoàng thành Thăng Long và thành nhà Hồ, có di sản gắn với vẻ đẹp đặc thù của biển như vịnh Hạ Long hoặc địa mạo địa chất như vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng…
Nói cách khác, mỗi lần có thêm một di sản được ghi danh, chúng ta lại có thêm những minh chứng mới để thấy chiều sâu văn hóa của Việt Nam không cố định trong một triều đại hoặc một vùng đất, mà luôn là một dòng chảy đa dạng, sống động.
Ngọa Vân Thượng là nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử linh thiêng, liên quan đến những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Đó cũng là những gì có thể nhìn thấy ở cụm danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Không phải kinh thành hoặc trung tâm giao thương, nơi đây là một không gian thiên nhiên - tâm linh - lịch sử độc đáo, nơi gắn với linh khí quốc gia và các hệ giá trị của thiền phái Trúc Lâm vốn xuất hiện từ vương triều Trần (thế kỷ 13).
Ở đó, xa hơn một tông phái tu hành, thiền phái Trúc Lâm là cách mà người Việt Nam "Việt hóa" một dòng chảy tôn giáo lớn của thế giới, đưa nó gắn kết với tâm hồn, đạo lý, cách ứng xử nhân văn vốn có trong truyền thống. Thiền phái Trúc Lâm không đặt mình đối lập với đời sống thế tục mà gắn liền với nó trong tinh thần nhập thế, hành đạo giữa đời, làm việc thiện trong đời. Từ vua, quan đến thường dân - cả cộng đồng đều có thể tìm thấy mình trong triết lý ấy.
***
Không ngẫu nhiên, hàng chục năm qua, Yên Tử mỗi năm vẫn đón hàng triệu lượt người tìm về. Đó không chỉ là cuộc hành hương về miền đất thiêng, mà còn là hành trình để mỗi người trở về với chính mình. Bởi giữa dòng chảy hối hả của đô thị hóa, của guồng quay công việc và những làn sóng công nghệ liên tục dâng cao, dường như chúng ta đang dần đánh mất khả năng lắng nghe bản thân, kết nối sâu sắc với thiên nhiên, với cộng đồng, và với ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Yên Tử, với cảnh sắc thanh tịnh, di sản thiền định và tư tưởng nhập thế của thiền phái Trúc Lâm, chính là nơi mở ra không gian cho mỗi người có thể tự dừng lại trong suy nghĩ và tìm kiếm những giá trị ấy. Và xa hơn, tìm về Yên Tử là tìm về giá trị của sự đủ đầy nội tâm, của tĩnh lặng, của sự cân bằng với tự nhiên - những thứ mà xã hội hiện đại vẫn luôn khao khát dù phát triển tới mức độ nào.
Những ngày tới, một vòng quay mới sẽ đến với quần thể này cùng danh xưng Di sản văn hóa thế giới. Nơi đây sẽ tiếp tục đón hàng triệu lượt khách thập phương, là điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc tế. Hạ tầng giao thông sẽ được đầu tư, các dịch vụ sẽ phát triển kèm theo những tiện ích bổ sung để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới. Đó là điều tất yếu, bởi di sản không thể đứng ngoài dòng chảy của phát triển.
Nhưng, bảo tồn và phát triển một di sản như Yên Tử không thể chỉ dừng ở việc giữ gìn cảnh quan hoặc bổ sung các tiện ích một cách khoa học, hợp lý. Điều quan trọng nhất: Cần để những lớp giá trị tinh thần đã lắng đọng hàng trăm năm vẫn được gìn giữ, được lan tỏa, được cộng đồng hôm nay và cả mai sau hiểu đúng, hiểu sâu.
Bởi quần thể Yên Tử không chỉ là sự hội tụ của chùa chiền, núi non, cây cổ thụ hoặc dấu tích các vương triều, mà còn là một kho tàng triết lý sống, là di sản của tâm hồn - nơi mà mỗi người đều có thể tìm thấy cho mình một bài học về sự điềm tĩnh, bao dung, hài hòa với tự nhiên, tin vào điều thiện và cái đẹp.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất