Các điểm nhấn của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc

12/05/2025 21:01 GMT+7 | Tin tức 24h

Trung Quốc và Mỹ đã tuyên bố tạm ngừng cuộc chiến thương mại sau cuộc đàm phán tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 12/5. Theo đó, hai bên sẽ dỡ bỏ phần lớn thuế quan và các biện pháp đối kháng khác vào ngày 14/5.

Mỹ sẽ giảm thuế bổ sung áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc trong năm nay từ 145% xuống 30%, trong khi Trung Quốc giảm từ 125% xuống 10%. Các mức thuế áp đặt trước ngày 2/4, bao gồm cả những mức thuế có từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, và các hạn chế khác, chẳng hạn như việc Mỹ chấm dứt miễn trừ thuế quan đối với những gói hàng giá trị thấp (hay còn gọi là quy tắc "de minimis"), vẫn được giữ nguyên.

Thuế quan giảm không đồng đều

Mỹ đã đồng ý điều chỉnh hoặc loại bỏ ba sắc lệnh hành pháp, vốn áp đặt tổng cộng 115% thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỹ đồng ý giảm thuế đối ứng từ 34% xuống 10% trong 90 ngày và loại bỏ tất cả thuế quan được áp đặt trong quá trình leo thang trả đũa sau đó giữa hai nước.

Trung Quốc cũng đã có động thái giảm leo thang tương ứng, khi loại bỏ tất cả trừ mức thuế 10% áp đặt kể từ ngày 2/4. Như vậy, mức thuế hiện tại mà Trung Quốc áp dụng với hàng hóa của Mỹ là 10%.

THEO DÒNG SỰ KIỆN: Các điểm nhấn của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (phải) và Đại diện thương mại Jamieson Greer trong cuộc họp báo sau đàm phán với đại diện quan chức cấp cao Trung Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 12/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc vẫn phải đối mặt với mức thuế 30% khi tính cả các mức thuế được áp đặt trước ngày 2/4, bao gồm hai đợt thuế được áp đặt vào tháng Hai và tháng Ba.

Các sản phẩm của Trung Quốc, từ xe điện, thép và nhôm, vẫn sẽ phải chịu những mức thuế riêng biệt được áp đặt trong vài năm qua.

Tạm dừng một số rào cản phi thuế quan

Trung Quốc cũng cam kết loại bỏ các biện pháp đáp trả phi thuế quan áp đặt đối với Mỹ kể từ ngày 2/4, mặc dù vẫn chưa rõ cách thức thực hiện việc này.

Trong khuôn khổ các biện pháp trả đũa vào tháng Tư, Trung Quốc đã bổ sung đất hiếm vào danh sách hàng xuất khẩu chịu kiểm soát, mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các hoạt động kinh doanh của công ty hóa chất DuPont tại Trung Quốc và đưa một số công ty quốc phòng và công nghệ của Mỹ vào danh sách đen.

Cách diễn đạt của thỏa thuận cho thấy những doanh nghiệp này sẽ được xóa khỏi danh sách cấm giao dịch và đầu tư với Trung Quốc, đồng thời cuộc điều tra chống bán phá giá nói trên sẽ bị gác lại.

Tuyên bố chỉ nói rằng các biện pháp đáp trả được áp đặt sau ngày 2/4 sẽ bị loại bỏ, do đó sẽ không bao gồm hàng chục công ty bị đưa vào danh sách đen vào tháng Ba và cuộc điều tra chống bán phá giá đối với tập đoàn công nghệ Google được công bố vào tháng Hai.

DuPont hiện chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

THEO DÒNG SỰ KIỆN: Các điểm nhấn của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc - Ảnh 2.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Vẫn còn nhiều câu hỏi về đất hiếm

Trong trường hợp của đất hiếm, do quyết định bổ sung mặt hàng này vào danh sách hàng xuất khẩu chịu kiểm soát của Trung Quốc được áp dụng cho tất cả các quốc gia, nên chưa rõ liệu nó có được tính là biện pháp đáp trả cụ thể đối với Mỹ theo thỏa thuận hay không.

Thông báo ban đầu của Bộ Thương mại Trung Quốc yêu cầu tất cả các nhà xuất khẩu phải xin giấy phép trước khi xuất khẩu bảy loại đất hiếm. Thông báo này không đề cập đến Mỹ.

Bộ Thương mại Trung Quốc hiện chưa trả lời các câu hỏi về các hạn chế đối với đất hiếm.

THEO DÒNG SỰ KIỆN: Các điểm nhấn của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc - Ảnh 3.

Tàu chở hàng hóa neo tại cảng ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Phản ứng của dư luận

Dù chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng kết quả cuộc đàm phán nói trên là bước ngoặt quan trọng sau nhiều tháng căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Những động thái đáp trả qua lại về thuế quan đã làm dấy lên căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trong những năm qua, gây ra sự đảo lộn trong thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giám đốc đầu tư Eric Kuby của công ty tư vấn tài chính North Star Investment Management, có trụ sở tại Chicago, Illinois (Mỹ), đánh giá đây là bước đi đúng hướng, cho thấy cả hai bên đều quan tâm đến việc đi đến kết luận mang tính xây dựng và phát triển mối quan hệ thương mại tốt đẹp. Theo ông Eric Kuby, hướng đi này mang tính hợp tác nhiều hơn là đấu tranh và thị trường nên xem đây là tín hiệu tích cực.

Trong khi đó, Giám đốc danh mục đầu tư Andrew Mattock của công ty môi giới tài chính Matthews Asia, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), nhận định rằng bất kỳ tiến triển nào từ cuộc đối thoại ban đầu đều đáng hoan nghênh. Sự tiến triển giúp Trung Quốc có thêm nguồn lực để tập trung vào các vấn đề kinh tế trong nước.

Về phần mình, chuyên gia Nathan Sheets của tập đoàn ngân hàng-tài chính Citigroup (Mỹ) nhận xét các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận cho thấy rằng thuế quan cao không có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc.

Còn Giám đốc Chương trình Đông Á tại Viện Quincy vì Trách nhiệm quốc gia, Jake Werner, cho rằng các cuộc đàm phán để bắt đầu giảm leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang gia tăng là rất cần thiết và đó là một dấu hiệu tích cực cho thấy cả hai bên đã có thể vượt qua những khác biệt về quan điểm và mang lại hy vọng cho một tương lai ổn định và bền vững đối với kinh tế thế giới.

Khánh Ly (Theo Reuters, CNBC)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm