Bóng đá Việt Nam và chuyện Riêng-Chung

02/07/2025 14:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

Có một thống kê khá thú vị sau khi cả nước hoàn tất việc sáp nhập tỉnh, thành, đó là sẽ gia tăng số lượng trận derby trong các giải đấu thuộc hệ thống chuyên nghiệp Việt Nam từ mùa 2025/26. Dự kiến V-League có đến 12 trận derby, còn tại hạng Nhất là 6 trận, tính cho cả 2 lượt đi-về.

Thủ đô Hà Nội vẫn có CAHN, Thể Công, Hà Nội FC. Nhưng Ninh Bình có Ninh Bình FC mới lên hạng và Nam Định, đội vô địch 2 mùa gần nhất. Đà Nẵng có SHB Đà Nẵng và Quảng Nam. TP.HCM có CLB TP.HCM và Bình Dương. Có thể kể thêm ở giải hạng Nhất với cặp đấu Trẻ TP.HCM vs Bà Rịa-Vũng Tàu, ĐH Văn Hiến vs Gia Định và Đồng Nai vs Bình Phước. .

Tuy nhiên đây là tính toán dựa trên giả định là mọi đội bóng đều được giữ nguyên, dựa trên tính độc lập của bóng đá chuyên nghiệp mà về lý thuyết là không phụ thuộc nhiều vào yếu tố địa phương. Nhưng viễn cảnh đó lại chưa chắc đã diễn ra nếu nhìn vào thực tế tồn tại của các CLB bóng đá ở cả 2 hạng đấu chuyên nghiệp hiện nay.

Thực tế mà nói, việc chúng ta chờ đợi sẽ xuất hiện một số đội bóng mới nhờ việc sáp nhập địa phương có lẽ còn khả thi hơn là các đội bóng hiện tại sẽ tiếp tục tồn tại. Ví dụ như sự trở lại của Cần Thơ, An Giang, Đắk Lắk, Lâm Đồng ở giải hạng Nhất chẳng hạn…

Nhưng ở phía ngược lại, chuyện "biến mất" hoàn toàn có thể xảy ra. Lấy trường hợp cụ thể nhất là TP.HCM sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đã trở thành địa phương có số lượng CLB chuyên nghiệp nhiều nhất là 6 (2 ở V-League và 4 ở hạng Nhất).

Tiêu điểm: Bóng đá Việt và chuyện Riêng-Chung - Ảnh 1.

V-League mùa giải 2025/26 sẽ có trên dưới 10 trận derby kiểu như CAHN gặp Hà Nội FC. Ảnh: Hoàng Linh

Con số này thậm chí còn nhiều hơn thời hoàng kim. Thế nhưng, đi sâu vào bản chất thì lại khác: ĐH Văn Hiến và Gia Định thuộc tư nhân, đội Bà Rịa Vũng Tàu và Trẻ TP.HCM có liên quan đến cơ quan quản lý thể thao địa phương. Nếu không có gì bất ngờ thì nhiều lắm TP.HCM chỉ còn 2 đội tại giải hạng Nhất mùa tới vì trên thực tế nền tảng tài chính của họ đều rất mỏng.

Có một thực tế là dù đã chuyển sang chuyên nghiệp từ lâu nhưng đa phần các CLB địa phương đều có sự hỗ trợ từ địa phương, bằng cách này hay cách khác. Đó là lý do mà số đội bóng mang tên tỉnh-thành vẫn đang chiếm đa số ở 2 hạng đấu chuyên nghiệp.

Khi sáp nhập tỉnh thành, nhiều đội "về chung mái nhà", đồng nghĩa với việc cùng chia sẻ khoản tiền chung từ ngân sách. Không có nhiều lý do để một địa phương mới "phải" cố gắng duy trì 5-6 đội bóng chuyên nghiệp nếu nó không thể hoạt động một cách độc lập về mặt tài chính.

Hãy quan sát trường hợp của Đà Nẵng. Có thời gian người ta nói rằng 2 đội bóng Đà Nẵng và Quảng Nam có chung mối liên hệ với bầu Hiển dù đây là 2 địa phương độc lập. Không ai chứng minh được mối quan hệ này, nhưng nếu để ý sẽ thấy 2 đội thăng hoa hay sa sút đều cùng thời điểm, giống như khi nguồn tiền tài trợ sụt giảm, thì cả 2 cùng lao đao.

Giờ thì sao? Sau khi sáp nhập địa phương, họ chính thức "chung 1 nhà", vấn đề là cả 2 đội đều có kết quả rất tệ ở 2 mùa giải gần nhất. Vậy thì dù có chung nguồn tiền hay không thì thực tế thành phố Đà Nẵng mới cũng khó duy trì cùng lúc 2 CLB. Làm điều đó, thật không dễ dàng chút nào.

Thế mới thấy nếu thực sự là những CLB chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam sẽ không có vấn đề gì với chuyện sáp nhập…

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm