Bóng đá Việt Nam: Nỗi buồn 'huyền thoại' Chi Lăng

18/04/2025 07:57 GMT+7 | Bóng đá Việt

Hôm qua (17/4), trên trang facebook cá nhân của mình. nhà báo Tấn Phước (Báo Pháp Luật TP.HCM) đã đăng tải những bức ảnh hết sức xót xa, với dòng biểu cảm: "Má ơi, hết hồn à!". Các bức ảnh ghi lại cảnh cây cối mọc um tùm trên các khán đài sân Chi Lăng (Đà Nẵng), vốn đã tốc hết mái và gần như bị bỏ hoang gần 10 năm qua.

"Bonsai đẹp thế mà hết hồn chi rứa", nhà báo Lê Phi Hải, một người con của Đà Nẵng có thời gian dài gắn bó với thăng trầm của bóng đá quê hương, bình luận. Một comment khác thâm thúy hơn của nhà báo Quốc Cường: "Cái này là quy hoạch sớm đấy. Theo đó, mỗi tỉnh một đội hạng Nhất, một đội V-League".

Theo ẩn ý của anh Quốc Cường, với diễn biến như hiện tại, SHB Đà Nẵng nhiều khả năng sẽ phải xuống chơi hạng Nhất mùa giải năm sau. Nhưng Đà Nẵng sẽ vẫn còn đại diện ở V-League là Quảng Nam.

Chi Lăng đã gắn liền với chiều dài lịch sử của bóng đá xứ Quảng Đà, với ít nhất 3 chức vô địch quốc gia (1992, 2009 và 2012), chỉ có thăng chứ không có trầm. Giờ bị xóa sổ, bị san phẳng, hỏi sao không xót xa cho được.

Năm 2010, Chi Lăng được bán cho một doanh nghiệp trong một dự án nhà ở và Trung tâm Thương mại cao cấp, nhưng SHB Đà Nẵng vẫn chơi ở đây cho đến hết mùa giải 2016, mới chuyển nhà về Hòa Xuân. Trong lịch sử phát triển, với bóng đá Đà Nẵng nói riêng và Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung, Chi Lăng tựa như pháo đài bất khả xâm phạm, một biểu tượng của Đà thành...

Còn nhớ năm 2006, siêu bão Xangsane tàn phá Đà Nẵng, Huế và các vùng phụ cận, nhưng cũng không thể đánh gục được huyền thoại Chi Lăng. Chỉ có một trong 4 dàn đèn bị hư hỏng, Chi Lăng vẫn vững như bàn thạch và các trận đấu tại VCK U21 quốc gia Báo Thanh Niên năm ấy vẫn diễn ra như bình thường, theo đúng tiến độ. Sức sống mãnh liệt của sân bóng này như nói lên tinh thần bất diệt của bóng đá Đà Nẵng.

Người quan sát: Nỗi buồn "huyền thoại" Chi Lăng - Ảnh 1.

Tình cảnh hiện tại của sân Chi Lăng, “chảo lửa” một thời của bóng đá Đà Nẵng. Ảnh: TP

Nhưng, trong cơn bão bất động sản, thì điều gì cũng có thể xảy ra, với ngay cả một pháo đài. Chi Lăng đã chính thức khép lại sứ mệnh của mình, sau chức vô địch V-League 2012 của SHB Đà Nẵng rồi.

Kể từ khi chuyển về sân Hòa Xuân, Cẩm Lệ, bóng đá Đà Nẵng trồi sụt, lên xuống như con nước. SHB Đà Nẵng lần đầu tiên trong lịch sử kỷ nguyên chuyên nghiệp, phải xuống chơi giải hạng Nhất 2024, nhưng cũng nhanh chóng trở lại giải đấu cao nhất Việt Nam V-League ở mùa này. Tiếc rằng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chiếc vé xuôi về lại hạng Nhất đang rất gần với đội bóng bên bờ sông Hàn.

Hòa Xuân không hợp thổ nhưỡng, hay vì "chiếc bùa hộ mệnh" Chi Lăng đã bị mất đi, khiến bóng đá Đà thành phải quay quắt? Có một sự thật là trong các trận đấu của SHB Đà Nẵng tại Hòa Xuân kể từ mùa giải 2017, chưa một lần khỏa lấp 1/2 sức chứa 25.000 người. Nó hoàn toàn khác với tiếng trống trận và một biển người màu cam (màu áo truyền thống của SHB Đà Nẵng) ở Chi Lăng trước đây.

Đâu đó quanh các quán cafe cóc ít ỏi còn sót lại xung quanh sân Chi Lăng, đường Ngô Gia Tự, thi thoảng người ta vẫn được nghe những câu chuyện về bóng đá Đà Nẵng, về sân Chi Lăng. Tuy nhiên, những sạp báo cũ thì gần như đã sạch bóng.

Theo thông tin, các thỏa thuận đền bù cuối cùng xung quanh SVĐ Chi Lăng đã xong xuôi, trước khi sân bóng huyền thoại này kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó. Đau lòng thay!

Trước Chi Lăng, SVĐ An Giang cũng đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, với các dãy phố, khu nhà mọc lên. Bóng đá An Giang vì thế cũng dần mất dạng. Và sau Chi Lăng, sẽ còn thêm biểu tượng nào nữa bị cuốn vào vòng xoáy bất động sản đây?! Bóng đá Việt Nam vốn yếu và thiếu rất nhiều về cơ sở hạ tầng, phục vụ tập luyện và tổ chức thi đấu. Với đà này e là...

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm