Chưa bao giờ văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang lại phát triển rầm rộ, đa dạng và thẩm thấu sâu rộng trong đời sống xã hội như từ năm 1975 trở lại đây. Đây là khẳng định của nhà văn Nguyễn Bình Phương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội) tại Hội nghị Tổng kết hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí quân đội giai đoạn 2021 - 2025 diễn ra vừa qua ở Hà Nội.
"Bộ đội Cụ Hồ" - vẻ đẹp của hình mẫu lý tưởng - Ảnh 1.

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, sự phát triển của văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, trước hết, cho thấy sự xuất hiện những lớp nhà văn tinh túy nhất của văn học Việt Nam trong quân đội.

"Bằng tài năng, đức độ, trách nhiệm của mình, chính các nhà văn quân đội là nòng cốt đặt nền tảng cho sự hình thành của văn học cách mạng Việt Nam" - ông Phương nhấn mạnh - "Và, chính họ cũng là người quyết định dòng chảy chính của văn học Việt Nam là văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính".

"Bộ đội Cụ Hồ" - vẻ đẹp của hình mẫu lý tưởng - Ảnh 2.

Những đóng góp của các nhà văn quân đội không được tôn vinh với nhiều hình thức khác nhau. Rất nhiều nhà văn trong quân đội đã được trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Rồi, hàng chục nhà văn quân đội đã vinh dự được đặt tên đường, tên phố.

Cụ thể, nhà văn quân đội đầu tiên được đặt tên phố là Nguyễn Thi. Ông từ Văn nghệ quân đội ra đi, vào chiến trường và hy sinh năm 1968. Khi đó, trong ba lô của ông còn để lại rất nhiều bản thảo dở dang. Và, nhà văn gần đây nhất được đặt tên đường, là đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ông được Tổng cục Chính trị cử vào mặt trận và tại đó, ông đã viết những tác phẩm xuất sắc nhất về chiến tranh và người lính. Đất nước thống nhất, hòa bình, Nguyễn Minh Châu cũng là một trong những nhà văn đầu tiên "nổ phát súng" báo hiệu sự đổi mới của văn học Việt Nam hiện đại.

"Như thế, chúng ta thấy quân đội đã cống hiến cho văn học Việt Nam một đội ngũ những thế hệ nhà văn tài danh nhất của đất nước" - ông Phương khẳng định.

"Bộ đội Cụ Hồ" - vẻ đẹp của hình mẫu lý tưởng - Ảnh 3.

Cũng theo nhà văn quân đội này, từ cống hiến về đội ngũ, văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang dẫn đến một cống hiến thứ hai cũng quan trọng không kém. Đó là cống hiến về nhân vật trong văn học và nhân vật xã hội, mà cụ thể là hình tượng bộ đội Cụ Hồ.

Anh bộ đội Cụ Hồ đã đi qua các giai đoạn từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc..., đến giúp dân phòng chống bão lũ và xây dựng, bảo vệ đất nước hôm nay. Qua mỗi thời kỳ, hình tượng này đều có những nét đẹp. Bằng sự tinh nhạy của mình, các văn nghệ sĩ, trong đó có các nhà văn đã "đúc rút" ra những nét đẹp nhất để bồi đắp vào hình ảnh bộ đội Cụ Hồ.

"Bộ đội Cụ Hồ" - vẻ đẹp của hình mẫu lý tưởng - Ảnh 4.

Vì thế, ông Phương cho rằng, trong văn học riêng và nghệ thuật nói chung, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ không bao giờ cũ. Nó luôn mới, bởi có những nét đẹp tương ứng của từng thời đại và nhiệm vụ trong các giai đoạn khác nhau. Cũng từ đây, hình ảnh này không đóng khuôn trong tác phẩm văn học hay nghệ thuật mà đã được lan tỏa, phóng chiếu ra ngoài đời sống, trở thành hình mẫu cho xã hội.

Nói rộng ra, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương cho hay, xã hội Việt Nam thời phong kiến theo Nho giáo, chỉ có 2 mô hình nhân vật phổ quát trong xã hội đó là nhà Nho và nông dân. Trong nhà Nho có mô hình người quân tử, chứa những vẻ đẹp chuẩn mực và trở thành hình mẫu lý tưởng cho toàn xã hội hướng về. Và, nhân vật này thống trị trong tâm thức của người Việt Nam trong một thời gian rất dài. Nó thành hình mẫu lý tưởng cho xã hội.

Đến thời Pháp thuộc, xuất hiện một nhân vật mới, đó người trí thức tự do. Nhưng nhân vật này không phổ quát được, vì nó thiếu những nền tảng cơ bản để phát triển. Đó là kinh tế, khoa học kỹ thuật, triết học, tư tưởng…

"Phải đến khi chủ nghĩa Mác-Lênin xuất hiện tại Việt Nam, lan tỏa trong đông đảo quần chúng nhân dân và đặc biệt khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, làm xuất hiện một hình mẫu mới, đó là người cán bộ cách mạng" - ông Phương phân tích - "Trong người cán bộ cách mạng thể hiện ở 2 nhân cách chính, đó là nhân cách người đảng viên và nhân cách bộ đội Cụ Hồ".

"Bộ đội Cụ Hồ" - vẻ đẹp của hình mẫu lý tưởng - Ảnh 5.

Ở đây, anh bộ đội Cụ Hồ với vẻ đẹp của sự tận hiến bước vào văn học. Qua tài năng của các nhà văn quân đội, hình tượng này được chưng cất, đúc kết, khái quát với những phẩm chất cốt lõi của người Việt Nam, đó là trí thông minh, lòng quả cảm, sự trung tín và lối ứng xử tình nghĩa. Tất cả những điều này đã làm thành một vẻ đẹp lý tưởng để toàn thể xã hội hướng về.

Cũng theo ông Phương, "hình mẫu bộ đội Cụ Hồ đã bước ra và đứng vào hệ thống ít ỏi những hình mẫu xã hội lý tưởng trong lịch sử dân tộc ta, từ khởi thủy cho đến bây giờ. Đây là một trong những đóng góp "vô tiền khoáng hậu" của quân đội".

"Bộ đội Cụ Hồ" - vẻ đẹp của hình mẫu lý tưởng - Ảnh 6.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương còn nhấn mạnh, hình mẫu bộ đội Cụ Hồ vẫn đang phát huy giá trị của mình trong đời sống hôm nay.

"Trước một thế giới phát triển với tốc độ chóng mặt, làm rung chuyển cả nhận thức và nền tảng kiến thức - từ cá nhân đến cộng đồng, thì những đức tính căn cốt của bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một "bộ phận giảm tốc", làm "cái phanh" giúp cho đạo đức, nhân cách, phẩm giá truyền thống của con người Việt Nam tránh bị trượt vào sự lạnh lùng, sa đọa do chủ nghĩa vật chất ngày nay gây ra" - ông khẳng định - "Hình mẫu bộ đội Cụ Hồ không bao giờ lạc thời. Đó là sản phẩm của văn hóa, văn học nghệ thuật trong quân đội".

"Bộ đội Cụ Hồ" - vẻ đẹp của hình mẫu lý tưởng - Ảnh 7.

Một số tác phẩm văn học khai thác hình tượng bộ đội Cụ Hồ

Tuy nhiên, hiện nay, những giá trị của hình mẫu này tiếp tục được phát huy, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng ra sao? Theo ông Phương, vấn đề này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng, có một yếu tố trước mắt, đó là phụ thuộc vào chất lượng của các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật trong quân đội trong thời gian tới. Trong đó, mạch văn học về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang được xác định là một trong những hoạt động, nội dung nòng cốt.

Thực tế cho thấy, càng ngày mạch văn học này càng phải đối diện với những thách thức của thời cuộc như sự phân tán của các vấn đề trung tâm trong xu thế vận động phát triển xã hội toàn diện, dẫn tới sự phân tán về các mẫu nhân vật trung tâm. Mặt khác, các nhà văn qua chiến tranh đã có tuổi, sức sáng tạo giảm sút, còn nhà văn trẻ vốn đã khan hiếm, lại bị hạn chế vốn sống, vốn trải nghiệm thực tế nên dẫn đến sự giảm sút, hẫng hụt đội ngũ sáng tác văn học trong quân ngũ. Đây là những thách thức lớn, rất căn bản.

Trước những thách thức này, ông Phương đề xuất, "cần có một cơ chế, cần có những quyết sách để giúp cho dòng văn học này chiếm thế thượng phong như trong truyền thống vốn có và lan tỏa những vẻ đẹp của bộ đội Cụ Hồ ra bên ngoài như chúng ta đã có".

Cụ thể, để dòng văn học về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang được duy trì và phát triển, đòi hỏi cần nhiều sự quan tâm, đầu tư thích đáng, mang tính chiến lược. Trong đó, cần đến sự quy hoạch có chiều sâu và dài hạn trong việc chủ động đào tạo nguồn nhân lực sáng tác trong quân đội.

Cùng với đó, cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo điều kiện cho đội ngũ các nhà văn hiện nay đang trong quân ngũ, đặc biệt cần có cơ chế, chính sách đặc thù để họ phát huy được tài năng một cách triệt để, từ đó gắn bó lâu dài với quân đội.

"Bộ đội Cụ Hồ" - vẻ đẹp của hình mẫu lý tưởng - Ảnh 8.

Ngoài ra, cần sự đầu tư nhất định trong việc quảng bá, phát hành và lan tỏa tác phẩm văn học chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang có giá trị tới công chúng, cả trong quân đội, trong và ngoài nước, thông qua việc giới thiệu dịch và chủ động dịch. Ở đây, việc giới thiệu một tác phẩm văn học có chất lượng về đề tài này ra với độc giả quốc tế, cũng đồng nghĩa với việc quảng bá về sức mạnh, truyền thống của quân đội ta.

Công Bắc