26/04/2025 12:03 GMT+7 | Tin tức 24h
Thắng lợi 30/4/1975 của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và chiến thắng 9/5/1945 của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc là những cột mốc huy hoàng của nhân loại trong thế kỷ XX.
Dù khác nhau về không gian địa lý và bối cảnh lịch sử, song 2 sự kiện này lại có những điểm tương đồng sâu sắc, đó là tính chính nghĩa, sự hy sinh cao cả, tính khai phóng cho phong trào cách mạng thế giới, đồng thời là biểu tượng cao cả nhất của chủ nghĩa quốc tế vô sản trong quá trình cùng nhau thực hiện sứ mệnh lịch sử.
Với giọng nói đầy nội lực, ông Claudio De Negri, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Chile khẳng định Việt Nam và Liên Xô đều bước vào cuộc chiến sinh tử không chỉ vì sự tồn vong của dân tộc mình, mà còn là minh chứng cho sự giao thoa mạnh mẽ giữa tinh thần yêu nước và trách nhiệm quốc tế. Đó là sự tiếp nối giữa bảo vệ chủ quyền với việc tham gia tích cực vào phong trào hòa bình và tiến bộ của nhân loại nhằm bảo vệ các giá trị cơ bản của tự do, công lý và hòa bình.
Ông Claudio De Negri phát biểu trong một sự kiện tại Hà Nội khi là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Chile tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh trước thềm lễ kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước của Việt Nam và 80 năm chiến thắng phát xít, ông Negri cho biết 2 sự kiện trên đã trở thành ngày tưởng niệm thiêng liêng không chỉ đối với nhân dân Việt Nam và Nga, mà còn là ký ức nhân loại về những cuộc chiến chính nghĩa, là lời nhắc nhở về trách nhiệm gìn giữ hoà bình và ngăn ngừa sự trỗi dậy của chủ nghĩa bá quyền và xâm lược.
Nhắc đến sự hồi sinh và phát triển kỳ diệu của Việt Nam sau chiến tranh, ông Negri, người từng đảm nhận vai trò Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Chile tại Việt Nam, cho biết cho đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, đất nước hình chữ S vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Dấu vết của thời kỳ thuộc địa, cùng 3 cuộc chiến tranh liên tiếp vẫn hằn sâu trong những vết thương chưa lành, đó là cơ sở hạ tầng tan hoang vì bom đạn, đời sống người dân thiếu thốn trầm trọng, đói nghèo đeo bám từng mái nhà.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam thời gian đó chỉ dao động trong khoảng 100 đến 200 USD mỗi năm và hơn 70% dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói, nhưng chính từ trong gian khó, dân tộc này lại viết nên một kỳ tích thứ hai – một cuộc chiến không tiếng súng, song khốc liệt và bền bỉ: công cuộc phát triển đất nước.
Cột mốc năm 1986 đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi Việt Nam khởi xướng công cuộc Đổi mới. Một dân tộc không khuất phục trước kẻ thù thì cũng không đầu hàng trước đói nghèo. Khi đó, Việt Nam chỉ đứng thứ 70 thế giới về sản xuất lúa gạo. Vậy mà không lâu sau đó, quốc gia nhỏ bé ấy đã vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu hành tinh.
Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt mức 2.800 USD/năm và tỷ lệ nghèo cùng cực giảm xuống dưới 2%. Đó là một chiến thắng vĩ đại khác, không thể có được nếu thiếu đi chiến thắng đầu tiên của ngày 30/4/1975 lịch sử và xứng đáng để cả thế giới cùng ngợi ca.
Từ đó đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao hơn mức trung bình toàn cầu. Đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và hạ tầng đang đưa đất nước tiến nhanh đến mục tiêu công nghiệp hóa. Việt Nam hiện nằm trong nhóm các nước xuất khẩu hàng điện tử và dệt may hàng đầu thế giới. Những tên tuổi hàng đầu như Samsung, Intel, LG... đều chọn Việt Nam là nơi đặt cơ sở sản xuất chiến lược.
Ông Claudio De Negri nhận Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” từ lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong thời gian là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Chile tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát
Từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam đã từng bước chuyển mình sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó không chỉ là bước ngoặt về quản lý và tư duy, mà còn là minh chứng cho khát vọng dựng xây một xã hội thịnh vượng, một quốc gia hòa bình, độc lập và phát triển trên chính đôi chân mình.
Tiếp tục câu chuyện với mối quan hệ truyền thống Chile - Việt Nam, quốc gia mà Đại sứ Negri từng có thời gian gắn bó trong hơn 3 năm công tác, ông Negri khẳng định điều làm nên sự khác biệt của Việt Nam chính là việc nước này vừa sở hữu sức mạnh nội tại từ lòng dân và vừa có sức mạnh từ tình đoàn kết quốc tế, trong đó có tình cảm từ nhân dân Chile.
Ngay sau Cuba, Chile là quốc gia thứ 2 tại khu vực Mỹ Latinh thiết lập quan hệ ngoại giao với nước CHXHCN Việt Nam, tuy nhiên mối quan hệ ấy không chỉ bắt đầu trên bình diện nhà nước mà là một câu chuyện đầy nhân văn từ tình cảm của những con người tiên phong.
Năm 1969, khi còn là Chủ tịch Thượng viện Chile, ông Salvador Allende đã vượt qua nửa vòng Trái Đất đến Hà Nội để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là chuyến thăm cấp nhà nước cuối cùng mà Bác Hồ đón tiếp trước khi Người qua đời. Trong cuộc gặp lịch sử ấy, ông Allende đã nói với vị lãnh tụ Việt Nam: "Tôi sẽ trở thành Tổng thống của Chile và tôi sẽ tôn vinh nhân dân của mình bằng cách thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam".
Lời hứa ấy không chỉ là một câu chuyện đẹp giữa hai nhà cách mạng, mà còn là minh chứng cho sức mạnh lan tỏa của lý tưởng hòa bình, độc lập và công bằng. Năm 1970, ông Allende trở thành Tổng thống của Chile. Và chỉ 1 năm sau, giữa lúc Việt Nam vẫn trong ánh chớp lửa đạn của chiến tranh, Chile đã mở Đại sứ quán của nước này tại Hà Nội. Đó là một hành động dũng cảm, mang tính biểu tượng và nhân văn sâu sắc bởi vì đôi khi sự đoàn kết không chỉ là những lời nói, mà còn là hành động cụ thể được thực hiện trong những thời điểm khó khăn nhất, khi niềm tin phải mạnh hơn sự sợ hãi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất