135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025): Những dấu ấn và bài học từ sinh nhật Bác

13/05/2025 09:20 GMT+7 | Văn hoá

Suốt cuộc đời tận hiến cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa từng xem sinh nhật của mình là một ngày đặc biệt. Nhưng với đồng bào, đồng chí, mỗi dịp 19/5 là một khoảnh khắc thiêng liêng - không chỉ để bày tỏ lòng kính yêu với vị lãnh tụ vĩ đại, mà còn để soi lại chính mình qua tấm gương đạo đức trong sáng, đời sống thanh bạch và trái tim luôn rộng mở vì nước, vì dân của Bác. 

Từ chiến khu Việt Bắc đến mái nhà sàn Phủ Chủ tịch, từ niềm vui chiến thắng Điện Biên đến buổi sáng lặng lẽ viết Di chúc, những ngày sinh nhật của Bác luôn thấm đượm tình người, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người Việt Nam.

Sinh nhật Bác lần đầu tiên giữa lòng Thủ đô độc lập

Ngày 18/5/1946, trên trang nhất báo Cứu Quốc xuất bản tại Hà Nội có đăng một bài báo đặc biệt với tựa đề: "Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam". Trong bài báo, lần đầu tiên thông tin về ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1890, được công khai để nhân dân được biết. Và ngày 19/5/1646, lần đầu tiên Nhân dân ta tổ chức mừng sinh nhật Bác.

Ngay từ sáng sớm, các đồng chí trong Thường vụ và trong Chính phủ đã tới chúc thọ Bác. Sau đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp các cháu thiếu nhi Thủ đô. "Các em đua nhau gắn huy hiệu Măng mọc thẳng non lên áo Bác, tặng Bác những chữ "i", "t" tượng trưng cho phong trào Bình dân học vụ, những tập sách nhỏ in Điều lệ và bài hát của Hội Nhi đồng cứu quốc" (1). Quà của Bác Hồ cho các cháu là một cây bách tán với lời gửi gắm: "Mai sau cái cây này sẽ mọc một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!" (2). Các em thiếu nhi vui mừng hát một bài cảm ơn Bác.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025): Những dấu ấn và bài học từ sinh nhật Bác - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: TTXVN

Sau đoàn thiếu nhi là đoàn hơn 50 anh, chị thay mặt cho miền Nam tới chúc mừng sinh nhật Bác. Trong đoàn có chị Nguyễn Thị Định, người sau này trở thành một nữ tướng anh hùng, một phụ nữ tiêu biểu cho truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của phụ nữ Việt Nam. Lần gặp Bác đặc biệt này đã được bà kể lại trong hồi ký, Bác đã cảm ơn "các cô, các chú Nam Bộ" và xúc động nói: "Các cô, các chú về báo cáo với nhân dân miền Nam thân yêu rằng: Lòng già Hồ, lòng nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào Nam Bộ". (3)

Cũng trong buổi sáng ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số đoàn thể đến chúc mừng sinh nhật Người, trong đó có đại diện của Tổng hội Công chức và Hội đồng Kiến thiết quốc gia; Ban vận động Trung ương Đời sống mới. Lực lượng Thanh niên Thủ đô thì tổ chức tuần hành mừng sinh nhật Bác.

Xúc động trước tình cảm của đồng bào, đồng chí, nhưng Bác vẫn nói: "… Chỉ vì nhà báo nào biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm bận rộn đến đồng bào. Từ trước tới nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc… Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi". (4)

Những lần sinh nhật Bác ở chiến khu Việt Bắc

Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp lại âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại căn cứ địa Việt Bắc tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong 9 năm ở "thủ đô gió ngàn", những dịp kỷ niệm sinh nhật Bác rất đơn giản nhưng luôn đầm ấm với những lời chúc mừng của đồng bào, đồng chí.

Sinh nhật năm 1948 là là một trong những sinh nhật đáng nhớ đối với Bác. Trước đó vài ngày, đồng chí Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Ty) - người phục vụ nấu ăn cho Bác cũng là người đồng chí, người bạn thân thiết đã cùng Bác hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc rồi sau đó theo Bác trở về nước tham gia hoạt động cách mạng - vừa mới qua đời do sốt rét ác tính. Sáng sớm ngày 19/5/1948, khi các đồng chí phục vụ mang một bó hoa rừng đến chúc mừng sinh nhật Bác, Bác đã xúc động đề nghị dành bó hoa này cùng đến viếng mộ đồng chí Lộc. Thế là lễ mừng sinh nhật của Bác Hồ năm ấy, Bác đã dành để nói chuyện về một tấm gương trung thành với Đảng, suốt đời làm việc cho Đảng, không tính toán cá nhân, đòi hỏi địa vị.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025): Những dấu ấn và bài học từ sinh nhật Bác - Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội thiếu sinh quân đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại chiến khu Việt Bắc (19-5-1950). Ảnh: TTXVN

Sinh nhật vui và hạnh phúc nhất trong cuộc đời Bác, có lẽ là dịp kỷ niệm Người 64 tuổi, ngày 19/5/1954. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến với bao gian khổ hy sinh, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ngày 7/5/1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tin thắng lợi đến chỉ trước ngày sinh của Bác vài ngày, là món quà đặc biệt nhất của quân và dân ta kính dâng lên Bác kính yêu. Hòa cùng niềm vui chung của cả nước, Bác viết "Thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ", đăng báo Nhân dân từ ngày 12 đến 15/5/1954. Trong thư, Bác nhắc nhở "chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho các chú". Người và Chính phủ dự định tặng thưởng cho các chiến sĩ và cán bộ đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ". Số báo trên còn đăng bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ", ký bút danh C.B. Bài thơ ca ngợi tinh thần dũng cảm, gan dạ vượt nhiều gian khổ, khó khăn của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 19/5/1954, Bác có cuộc gặp gỡ và mở tiệc chiêu đãi các chiến sĩ đã lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và các bạn Liên Xô. Bác khen ngợi và hỏi về đời sống chiến đấu ở Điện Biên Phủ cũng như hoàn cảnh gia đình từng người. Bác xúc động khi nghe kể về hoàn cảnh khó khăn của các chiến sĩ và động viên: Đất nước rồi sẽ độc lập, chắc chắn dân sẽ đủ ăn. Bác tự tay gắn huy hiệu cho Hoàng Đăng Vinh, người đã bắt sống tướng De Castries và đề nghị để đạo diễn Liên Xô Roman Karmen cùng chụp ảnh với các chiến sĩ.

Những ngày Tháng Năm đặc biệt, Bác viết tài liệu "Tuyệt đối bí mật"

Miền Bắc được giải phóng. Trung ương Đảng và Chính phủ trở về thủ đô Hà Nội. Từ tháng 5/1958, Bác về sống tại ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị. Nhưng vào mỗi dịp sinh nhật, cứ đúng ngày 19/5, Bác thường rời nhà sàn để đi làm việc hay thăm hỏi nhân dân ở một nơi khác, nhằm tránh những lễ nghi phiền phức, tốn kém.

Sinh nhật Bác năm 1965 là dịp hết sức đặc biệt - Bác tròn 75 tuổi - thời điểm Bác chọn bắt đầu viết "Di chúc" để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025): Những dấu ấn và bài học từ sinh nhật Bác - Ảnh 3.

Đại biểu học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội chúc mừng sinh nhật Người (19-5-1956). Ảnh: TTXVN

Sáng ngày 10/5/1965, tại phòng làm việc ở nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, Bác đặt bút viết những dòng Di chúc đầu tiên. Trong hồi ký đầy xúc động, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác kể lại: "Đúng 9 giờ, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã suy ngẫm từ lâu. Phòng làm việc trên nhà sàn yên tĩnh. Gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn... Chính vào giờ phút đó Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu "Tuyệt đối bí mật" để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau". (5)

Người viết di chúc, nhưng không ghi là "di chúc" mà giản dị gọi là "Tài liệu", "Thư" hay "Mấy lời... tóm tắt vài việc". Bên lề trang viết, Bác nhấn mạnh: "Tuyệt đối bí mật" bởi Người không muốn ai biết, sợ ảnh hưởng tinh thần chiến đấu của quân dân ta trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt.

Rồi những ngày tiếp theo của tháng 5 năm ấy hay những ngày trung tuần tháng 5 của các năm sau, Bác tiếp tục viết, sửa chữa, bổ sung Di chúc trong phòng làm việc ở nhà sàn.

Sang năm 1969, sức khoẻ của Bác Hồ có phần yếu nhiều. Dịp kỷ niệm sinh nhật năm ấy, Bác không đi "công tác xa" như những năm trước đó. Sáng ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ phần mở đầu của Di chúc vào mặt sau tờ cuối cùng của tập bản Tin tham khảo đặc biệt (do Việt Nam Thông tấn xã phát hành) số ra thứ 7 ngày 3/5/1969. Sáng ngày sinh nhật lần thứ 79, Bác lại xem và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc lần cuối. Di chúc của Bác đúc kết những tư tưởng lớn lao, những suy tư trăn trở và tầm nhìn bao quát về công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và xây dựng lại đất nước của Người. Vì lẽ đó, Di chúc Bác Hồ đã trở thành tài sản tinh thần vô giá, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.

Ngày 18/5/1969, các cán bộ trong cơ quan Phủ Chủ tịch tổ chức mừng thọ Bác. Mọi người phấn khởi thưa với Bác về những chiến công mà quân và dân miền Nam đã giành được kính dâng lên Bác nhân dịp sinh nhật. Chiều cùng ngày, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên Trung ương vào chúc thọ Bác ở căn nhà họp Bộ Chính trị gần ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch. Buổi lễ mừng sinh nhật Bác lần thứ 79 đơn giản nhưng đầm ấm. Mọi người đứng xung quanh Bác, đồng chí Tố Hữu tặng hoa, đồng chí Lê Duẩn đọc lời chúc mừng sinh nhật Bác. Bác cười vui và mời mọi người ăn bánh kẹo và không quên dặn rằng "nhớ mang phần về cho các cô và các cháu ở nhà". Không ai nghĩ, đó là lần cuối cùng được đón mừng sinh nhật cùng Bác Hồ kính yêu.

Những kỷ niệm về sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhắc nhớ về tấm lòng của Nhân dân với Bác, mà còn soi sáng những giá trị sống Bác để lại: sống thanh bạch, nhân ái và kiên trung. Kỷ niệm Ngày sinh của Người, chính là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại, suy ngẫm và tiếp bước theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - nền tảng tinh thần vững chắc để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

(1), (2): Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 3, tr.220, 221

(3) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, hồi ký, Nxb CTQG, H.2005, tập 2, tr.316

(4) Theo Bác đi kháng chiến, Nxb Thanh niên, H.1980, Tr.90-91

(5) Vũ Kỳ - Càng nhớ Bác Hồ, Nxb Thanh niên. Hà Nội. 1999. Tr 130

Minh Hiếu/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm